Nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.
Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn.
Bởi vậy, phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực được Chính phủ hết sức quan tâm và coi việc phát triển ngành nghề thủ công là một biện pháp hữu hiệu giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa và giải quyết vấn đề an sinh xã hội…
Một trong những giải pháp cơ bản để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ là nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Đây cũng là định hướng mà Bộ Công Thương đã chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ phát triển các ngành hàng xuất khẩu trong đó có ngành thủ công mỹ nghệ và các dự án hợp tác quốc tế.
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2012 đến nay, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để tổ chức thực hiện 23 đề án xúc tiến thương mại hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã ngành Thủ công mỹ nghệ nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành hàng đầu tại các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như duy trì sự kiện thương mại quốc tế lớn của ngành tại Việt Nam là Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Lifestyle Vietnam.
Theo đánh giá của các đơn vị chủ trì thực hiện và doanh nghiệp tham gia, hoạt động xúc tiến thương mại với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước tuy còn hạn chế so với nhu cầu của doanh nghiệp nhưng đã hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều trong việc thâm nhập thị trường, duy trì và mở rộng quan hệ với khách hàng mục tiêu.
Tại mỗi kỳ hội chợ tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã kết nối trực tiếp với trung bình khoảng 500 khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới với nhiều khách hàng tiềm năng đã và đang mua hàng trong khu vực.
Khi đến với hội chợ, các doanh nghiệp đã lĩnh hội được rất nhiều các kỹ năng nghiên cứu xu hướng thị trường thông qua các khu trưng bày của khách hàng lớn và của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Đồng thời cũng rút ra được các nhận định, đánh giá đúng đắn tình hình và diễn biến, khuynh hướng thị trường, các cơ hội và tiềm năng cũng như các nguy cơ, thách thức để xây dựng chiến lược hoạt động lâu dài.
Thông qua việc tham gia hội chợ không những giúp doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam quảng bá thương hiệu, sản phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp được trực tiếp quan sát, học hỏi, nắm bắt xu hướng về màu sắc, chất liệu và ý tưởng cả về thiết kế và kiến trúc.
Từ đó giúp doanh nghiệp có được định hướng đúng trong phát triển sản phẩm cũng như khi giao thương, tiếp xúc với đối tác nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa cơ hội hợp tác kinh doanh xuất khẩu hàng hóa.
Quang Sơn, Diệu Bình