Mục tiêu của cuộc họp kỹ thuật này là cung cấp thông tin cập nhật về chính sách và công nghệ cho quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than, kinh nghiệm quốc tế về công nghệ tốt nhất hiện có (BAT), chi phí, lợi ích và tác động tiềm tàng của quá trình chuyển đổi, đồng thời thảo luận các phương án khác nhau cho việc ngừng hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng và cải tạo các loại hình nhà máy nhiệt điện than khác nhau. Cuộc họp cũng tạo điều kiện cho sự kết nối giữa các chủ đầu tư của các nhà máy điện với các nhà đầu tư tiềm năng và các tổ chức tài chính để tìm hiểu cơ hội đầu tư trong tương lai cho quá trình chuyển đổi của các nhà máy điện than.
Phát biểu tại buổi họp, ông Vũ Thế Uy đến từ Viện Năng lượng cho biết: Định hướng phát triển các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam là chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030; Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Đến năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh.
Ông Uy cũng cho biết các kịch bản chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than bao gồm việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng xanh như sinh khối, amoniac xanh, hydro xanh, khí thiên nhiên; Chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang nhà máy lưu trữ, bù công suất, điện linh hoạt, điện hạt nhân và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả…
Tại cuộc họp, nghiên cứu đã đưa ra các lộ trình chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn của Việt Nam, đánh giá các tác động, chi phí và lợi ích tiềm tàng của các phương án chuyển đổi năng lượng khác nhau.
Báo cáo về nhà máy Phả Lại 1, công suất 440 MW là nhà máy nhiệt điện lâu đời nhất đã vận hành gần 40 năm, nằm trong danh mục ngừng hoạt động, nghiên cứu đã đưa ra khả năng tích hợp công nghệ chuyển đổi phù hợp sang công nghệ sạch hơn như là các tổ máy chạy tua bin khí linh hoạt kết hợp với BESS và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp với điện mặt trời và SynCON. Trong khi đó, nhà máy Phả Lại 2, công suất 600MW, vận hành 23 năm cũng được yêu cầu chuyển đổi. Một số lộ trình được xem xét cho Phả Lại 2 bao gồm đồng đốt NH3 hoặc tua bin khí linh hoạt, hoặc BESS kết hợp với tua bin khí linh hoạt và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp tua bin khí và SynCON. Những chiến lược này không chỉ có lợi cho môi trường bằng cách giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính mà còn rất quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng và tính bền vững của ngành.
Trong trường hợp của nhà máy Cao Ngạn, nhà máy nằm ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên nên yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ. Nghiên cứu nhấn mạnh đến khả năng tích hợp của nhà máy với các nguồn năng lượng tái tạo.
Đối với Nhà máy nhiệt điện than BOT Vân Phong 1, nghiên cứu phân tích sâu vào các phương án chuyển đổi khác nhau, bao gồm việc tiên phong sử dụng năng lượng hạt nhân quy mô nhỏ và tái sử dụng nhà máy để phù hợp với các công nghệ mới nổi.
Phát biểu tại buổi họp, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho biết: Sự phụ thuộc của chúng ta vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn, nhằm giảm lượng phát thải các bon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
Huệ Anh