Dịch bệnh gia súc mang đến nhiều gánh nặng, thiệt hại đến kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người chăn nuôi. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy mô hình chăn nuôi sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc. Nhiều tỉnh, thành đã và đang thu được thành công khi áp dụng mô hình này vào chăn nuôi trâu, bò, lợn…
Gia Lai đẩy mạnh nuôi lợn siêu thịt hướng an toàn sinh học. |
Tại Gia Lai, mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Hộ ông Cao Khắc Tư ở tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê (Gia Lai) đang chăn nuôi lợn siêu thịt an toàn sinh học hướng hữu cơ kết hợp trồng mía. Ông kể, năm 2014, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, ông xây dựng chuồng trại tại rẫy mía của gia đinh, cách khu dân cư hơn 2km.
Để thuận tiện cho việc kiểm soát và tổ chức chăn nuôi, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Tư chia khu nuôi nhốt thành 4 dãy chuồng, gồm có 2 dãy chuồng nuôi heo thịt, 1 dãy nuôi heo nái sinh sản và 1 dãy nuôi heo con. Chuồng nuôi được ông Tư thiết kế theo tự nhiên có cải tiến đảm bảo đông ấm, hè mát; được trang bị đầy đủ máng ăn, vòi uống nước tự động và hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas…
Với khâu chọn giống, ông Tư tham khảo và chọn giống heo siêu nạc về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, ông Tư đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Đàn lợn được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Mỗi tuần 1 lần ông rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và phun khử khuẩn. Ngoài ra, ông không cho người lạ vào khu chăn nuôi nhằm tranh lây nhiễm các loại bệnh.
Bên cạnh việc phòng bệnh, ông Tư cũng hết sức quan tâm đến việc ăn uống của đàn lợn. Nước uống được lọc sạch và bỏ Cloramin B vào để diệt khuẩn nhằm ngăn ngừa bệnh viêm đường ruột gây tiêu chảy cho đàn lợn. Thức ăn cho lợn, ông trộn cám và thảo mộc theo tỷ lệ nhất định rồi nấu chín. Cách xử lý thức ăn như vậy đảm bảo lợn không bị bệnh đường ruột, hấp thụ dinh dưỡng tốt.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chủ động phòng ngừa dịch bệnh mà đàn lợn của ông uôn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Ông Tư cho biết: Giống lợn siêu nạc, xương nhỏ, thịt nhiều, khi chế biến thịt dai và thơm được thị trường ưa chuộng. Vì thế, giá bán cao hơn các loại lợn khác. Ngoài doanh thu, lợi nhuận thu về từ nuôi lợn, ông còn tận dụng nguồn chất thải để trồng 3ha mía, trồng cỏ nuôi bò.
Theo ông Tư, khi bổ sung chế phẩm vi sinh là probiotic không nên dùng kháng sinh vì kháng sinh làm mất tác dụng của vi sinh vật và giảm hiệu quả sử dụng thức ăn.
Cơ sở chăn nuôi có thể tự trộn thức ăn tại trại hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc. Các biện pháp an toàn sinh học phải luôn đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc nhà cung cấp sản phẩm...
Việc nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của tỉnh Gia Lai nhằm giúp quản lý tốt dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch góp phần khôi phục sản xuất. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang dần trở thành hướng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến nông, cung cấp và nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi. Đồng thời tập huấn cho hộ nuôi và các hộ trong khu vực về kiến thức chăn nuôi liên kết và thực hành chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung như chuồng trại; con giống; thức ăn, nước uống; chăm sóc nuôi dưỡng; vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh.
Thành Huế