Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến đến cuối năm nay, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mức trần 50% như mục tiêu Nghị quyết 23 của Quốc hội.

Vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 31.280 tỷ đồng, trong đó, vay về cho vay lại ước đạt 10.745 tỷ đồng. Các khoản vay nước ngoài đang giải ngân chủ yếu do Chính phủ ký trước đây với kỳ hạn dài, lãi suất thấp (lãi suất bình quân gia quyền của danh mục vay nước ngoài hiện khoảng 1,9%/năm).

W-vay tien usd fb 12529.jpg
Dự kiến đến cuối năm 2024, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP. Ảnh: Hoàng Hà

Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ ký kết vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 638,8 triệu USD. Dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 14 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 1.500 triệu USD.

Tuy nhiên, chi phí vay nước ngoài đang cao hơn so với chi phí vay bình quân trong nước. Lãi suất vay 2 tổ chức đa phương lớn nhất (WB và ADB) dao động trong khoảng 5,91-6,5%/năm.

Tỷ lệ giải ngân các dự án vốn nước ngoài trong 9 tháng ước chỉ đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân chủ quan là hệ thống pháp luật vẫn đang hoàn thiện, các vướng mắc liên quan đến đầu tư công, đấu thầu chưa được xử lý triệt để, trong khi sức ép từ các nhà tài trợ phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến đến cuối năm 2025, dư nợ công tiếp tục ở khoảng 36-37% GDP như năm 2024; nợ Chính phủ 34-35% GDP (năm 2024 là 33-34% GDP); nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 33-34%GDP (năm 2024 là 32-33%).