Không quá khó hiểu khi điều hòa được tận dụng hết công suất để chống chọi lại cơn ác mộng dã man của thời tiết mùa hè, nhưng cũng đi kèm với một bản hóa đơn tiền điện cao ngất đến tận trời xanh. Thế nhưng, nhiều người đã kịp truyền tai nhau một cách đơn giản mà lại được cho là hữu hiệu để hạn chế gánh nặng: Đổi chế độ Cool thành Dry khi bật điều hòa.

Vậy "truyền thuyết" như lời đồn này có thật sự là đúng với thực tế và được chứng minh bởi khoa học cũng như các kiến thức chắc chắn khác?

Chế độ Dry (Dry Mode) trên điều hòa là gì?

Điều hòa thường được người dùng biết đến chung chung như một thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, chủ yếu là để làm lạnh (hoặc ấm đối với điều hòa 2 chiều). Còn lại, những tính năng chi tiết và nhỏ lẻ thì lại hay bị bỏ bẵng đi, trong đó có chế độ Dry. Trong khi đó, điều duy nhất được chú ý đến có lẽ chỉ là bật tắt, chỉnh nhiệt độ và tốc độ gió.

Giải mã truyền thuyết: Điều hòa bật Dry Mode có tiết kiệm điện thần thánh như lời đồn? - Ảnh 1.

Chế độ Cool (biểu tượng bông tuyết - bên trái) và chế độ Dry (biểu tượng giọt nước, bên phải).

Về cơ bản, chế độ Dry và Cool ban đầu đều mang lại cảm giác mát và dễ chịu, khiến người dùng điều hòa khó phân biệt nếu không tìm hiểu từ trước. Nhưng thực ra cách hoạt động của chúng có ảnh hưởng và tác dụng hoàn toàn khác nhau.

- Cool Mode: Chủ động tạo ra không khí lạnh từ hệ thống của điều hòa, thấp hơn nhiệt độ hiện tại của phòng.

- Dry Mode: Không tạo ra không khí lạnh trực tiếp mà chỉ giảm độ ẩm trong không gian.

Tại sao chế độ Dry vẫn mát mà tốn ít điện?

Như đã đề cập, Dry Mode không chủ động tạo ra không khí lạnh mà chỉ giảm độ ẩm. Nghe có vẻ đơn giản và không liên quan nhưng thực ra đó lại là một cơ chế làm mát khá hữu hiệu.

Với thời tiết đặc trưng của nước ta, kể cả những ngày hè không quá nóng nhưng nhiều độ ẩm trong không khí cũng là đủ để ai nấy đều thấy ngột ngạt, nóng bức hơn hẳn thông thường. Độ ẩm cao đồng nghĩa với việc nhiệt độ xung quanh khó bị phân tán hơn, đồng thời mồ hôi ra trên người không thể bay hơi nhanh vì trong không khí đã quá đủ ẩm để "chừa chỗ trống" thêm nữa. Vì thế, những lúc này nhiệt độ chỉ cần ở mức trên trung bình thôi cũng có thể khiến người ta thấy cực kỳ khó chịu vì nóng.

Giải mã truyền thuyết: Điều hòa bật Dry Mode có tiết kiệm điện thần thánh như lời đồn? - Ảnh 2.

Và đó là khi chế độ Dry phát huy tác dụng: Hạn chế độ ẩm và giảm thiểu tác hại nó gây ra. Độ ẩm trong phòng được giảm đi khi bật Dry Mode, dẫn đến cảm giác thông thoáng, dễ chịu. Điều hòa khi đó sẽ hoạt động theo cách: Không khí có sẵn trong phòng đi qua một đầu hút đường dẫn, rồi sau đó bộ phận ngưng tụ hơi nước sẽ thu hết hơi ẩm ở lại, chỉ phả không khí đã được lọc ra ngoài trở lại. Do đó, lượng điện năng mà điều hòa tiêu tốn sẽ ít, chỉ tương đương như một cỗ máy hút ẩm.

Đối với Cool Mode, không khí được làm lạnh từ bộ phận nén khí trong điều hòa rồi phả ra ngoài. Điều này vừa có tác dụng làm mát không khí một cách trực tiếp, vừa có phần giảm độ ẩm. Tuy nhiên, Cool Mode không sinh ra để làm nhiệm vụ chính là hút ẩm, và lượng ẩm bị giảm đi khi bật Cool Mode cũng không được duy trì liên tục như ở Dry Mode. Vì thế, để giữ nhiệt độ phòng như mong muốn, Cool Mode sẽ phải làm việc nhiều hơn, chưa kể năng lượng tiêu tốn từ cách "làm lạnh" cũng đã tăng nhiều so với "làm khô" của Dry Mode rồi.

Những lưu ý và hiểu lầm theo sau Dry Mode

Dry Mode có nhiều ưu điểm phù hợp với không khí nóng ẩm tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là đặc trưng tiết kiệm năng lượng hơn so với Cool Mode. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt đáng chú ý cần được làm rõ:

- Dry Mode không thực sự làm mát không khí: Hiệu ứng và cảm giác không khí mát khi bật Dry Mode thực ra chỉ là cách làn da phần nào đánh lừa chúng ta. Tất nhiên nhiệt độ có giảm, nhưng phần nhiều đó là vì độ ẩm giảm đáng kể khiến hơi nước không còn bám dính trên da, dễ thông thoáng hơn và cảm giác bí bách biến mất.

Giải mã truyền thuyết: Điều hòa bật Dry Mode có tiết kiệm điện thần thánh như lời đồn? - Ảnh 3.

Dry Mode cũng đi liền với nhiều điều đáng lưu ý khi sử dụng.

- Lạm dụng Dry Mode có thể gây tác dụng tiêu cực: Một làn da thiếu nước và khô nẻ chắc chắn là không tốt cho cơ thể. Việc tiếp xúc nhiều với không gian bị hút ẩm liên tục chắc chắn sẽ gây ra hiện tượng nứt nẻ cho những ai có da nhạy cảm, thậm chí là một số triệu chứng khô mắt, khô mũi.

Vì vậy, đối với những khoảng thời gian nóng một cách bí bách, ngột ngạt, trời nhiều mây vì độ ẩm cao thì Dry Mode là một lựa chọn đúng đắn. Nhưng những khi không khí thông thoáng thì nên tận dụng chức năng của Cool Mode trên điều hòa để hạn chế những tác động xấu nhất có thể xảy ra.