MV Buồn làm chi em ơi được Hoài Lâm và nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chính thức phát hành hôm 19/6, đến nay sản phẩm cán mốc 40 triệu lượt xem trên Youtube. Đáng lưu ý, sau hơn 2 tháng phát hành, ca khúc Buồn làm chi em ơi vẫn không hề giảm sức nóng mà còn có dấu hiệu "tăng nhiệt" trở lại.
Hoài Lâm và Nguyễn Minh Cường. |
Buồn làm chi em ơi là bài Pop-Ballad mang âm hưởng quê hương trữ tình nhưng phối EDM hiện đại. So với Hoa nở không màu, ca khúc này có tính mới hơn chứ không thuần túy kiểu Ballad hay Pop-Ballad rập khuôn.
Màu sắc nhạc ngũ cung thể hiện qua sự chuyển động trầm bổng mượt mà đặc trưng của các nốt nhạc. Mỗi con người đều lớn lên trong vòng tay mẹ với các bài ru, dân ca, đồng dao nên trong tiềm thức, họ luôn thấy thân quen với nhạc dân gian nói chung. Những ca khúc quê hương trữ tình hầu như không bao giờ bị khán giả mang ra khen chê, mổ xẻ. Trái lại, đây là dòng nhạc dễ nghe, dễ thấm và đi vào lòng số đông nhất. Không ít tác giả khai thác đặc điểm này để tạo hit mà đơn cử là Sóng gió của K-ICM và Jack thời còn cộng tác.
Việc phối EDM với nhiều thanh âm nhạc cụ điện tử cho bài hát mang âm hưởng quê hương trữ tình giúp ca khúc hợp thị hiếu của khán giả nhưng vẫn đảm bảo chất trẻ. Khán giả đứng tuổi nghe Buồn làm chi em ơi không mặc định đây là nhạc cho người trẻ trong khi đó người trẻ cảm thấy ca khúc này vừa mới mẻ, vừa gần gũi, quen thuộc.
"Buồn làm chi em ơi" qua giọng hát Quang Lê và Hoàng Ngọc Sơn:
Bên cạnh nhạc lý, Buồn làm chi em ơi cũng là ca khúc rất hay về ca từ, nội dung. Tác giả Nguyễn Minh Cường đã viết "đo ni đóng giày" cho Hoài Lâm. Anh tâm sự với VietNamNet: "Tôi thấy được chất chứa trong ánh mắt của em ấy luôn thắm đượm nỗi buồn nên là một người bạn, người anh, người hợp tác khá thân thiết, tôi muốn viết tặng Hoài Lâm ca khúc này để em ấy sớm có thể vượt qua nỗi buồn". Khi nhận bản demo, Hoài Lâm đã kêu lên xúc động vì được đàn anh viết đúng tâm trạng, cảm xúc hiện thời.
Từ sự kiện đời tư của Hoài Lâm được quan tâm, Buồn làm chi em ơi có cơ hội tiếp cận số đông khán giả. Quan trọng hơn, sau khi sự việc qua đi, ca khúc này vẫn đủ hay để khán giả nghe đi nghe lại.
Ca khúc như cái xoa dịu, an ủi những ai đang mắc kẹt, chìm đắm trong nỗi buồn; hay chỉ cho họ thấy ngày mai tươi sáng hơn: "Chờ ngày mưa thôi rơi, mang nỗi sầu lìa xa tầm với". Những câu "Buồn làm chi em ơi, xót xa xin gửi lên trời" hay "Đời còn bao tương lai, lỡ sai vẫn kịp quay lại" dù dành riêng cho Hoài Lâm hay không thì bất cứ khán giả nào cũng có thể thấy như được vỗ về, khuyên nhủ sau những thăng trầm trong cuộc sống.
Trong các bản cover, MV Buồn làm chi em ơi do ca sĩ gạo cội Như Quỳnh và hãng đĩa thực hiện công phu hôm 23/8 được đánh giá là thành công nhất.
MV không có cốt truyện cụ thể, Như Quỳnh hóa thân thành 2 phiên bản: một người phụ nữ mặc áo dài và một người mặc Âu phục. Có thể hiểu đây là 2 khía cạnh trong một con người như truyền thống và hiện đại, đối nội và đối ngoại, gia đình và xã hội, mềm mỏng và cứng rắn...
Nhưng dù là ai, phiên bản nào, Như Quỳnh vẫn cô độc trong ngôi nhà cổ rộng lớn, phòng không gối chiếc lạnh lùng. Trong cảnh hiu quạnh, cô mơ tưởng thời con gái hồn nhiên, vui vẻ đã xa nhưng cũng điềm nhiên chấp nhận số phận của mình. Những cái cười nhếch môi rất nhẹ của Như Quỳnh như hiện thực hóa câu "gói vào một tiếng thở dài" của Nguyễn Minh Cường.
Như Quỳnh vào vai người phụ nữ luống tuổi quyền quý nhưng cô độc trong chính ngôi nhà của mình. |
Tuổi 49, nhan sắc, màu giọng và cột hơi của Như Quỳnh không còn như thời phong độ nhưng xử lý chín muồi. Chẳng hạn, Như Quỳnh hát một trong những câu đắt nhất bài là Buồn làm chi em ơi, xót xa xin gửi lên trời như tiếng khóc nấc. Chữ "xót" sắc và khô khốc như chứa đầy cay đắng, uất nghẹn. Tương tự, chữ "sai" trong câu Lỡ sai vẫn kịp quay lại bình thản đến gai người.
Trấn Thành phản hồi về MV của đàn chị: "Tôi đã khóc sau khi xem MV này - một siêu phẩm của chị Như Quỳnh. Thương chị quá, chị vẫn tuyệt vời như chị đã từng, mỗi câu chữ thấm tận tim gan tôi". MV này hiện vẫn trong top 50 xu hướng thịnh hành của Youtube.
"Buồn làm chi em ơi" qua giọng Thanh Thảo:
Nhiều nghệ sĩ thể hiện ca khúc Buồn làm chi em ơi với những phong cách khác nhau. Quang Lê hát sạch bài như thường lệ; Thanh Thảo thổi vào ca khúc màu giọng đặc trưng; Châu Khải Phong giọng to, vang, luyến láy kiểu miền Tây Nam Bộ;... Ở bản của Quang Lê, Hoàng Ngọc Sơn - chàng kép Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, hát cũng rất mùi mẫn, hay không kém đàn anh.
"Buồn làm chi em ơi" của Thanh Duy:
Trong khi đó, phiên bản của Thanh Duy lại ấn tượng ở cao độ. Anh hát đúng tông giọng của Như Quỳnh nhưng xử lý trẻ hơn như một cách bày tỏ tình cảm đến đàn chị. Bên cạnh đó, các bản cover của Hoàng Y Nhung, Lưu Ánh Loan, Tú Tri, Trịnh Đình Quang... cũng rất đáng nghe thử.
Chính tác giả Nguyễn Minh Cường cũng cover đứa con tinh thần của mình với góc nhìn, cảm xúc riêng biệt.
Tấn Beo làm MV phái sinh hài hước:
Ở mảng ca khúc phái sinh, ngày 30/8, nghệ sĩ Tấn Beo phát hành MV parody Buồn làm chi em ơi, vào vai người chồng bị vợ bỏ nhà đi. Anh đuổi theo chiếc xe ba gác, hát trọn ca khúc thấm đẫm nỗi buồn bằng biểu cảm hài hước nhưng người vợ vẫn "dứt áo ra đi".
Nghệ sĩ Linh Tâm còn biến Buồn làm chi em ơi từ tân nhạc thành tân cổ. Với ca khúc Pop-Ballad có màu sắc quê hương trữ tình, Linh Tâm dễ dàng chuyển từ ca nhạc sang ca cổ với lời nhạc phù hợp, ca hơi dài mùi mẫn. Dù vậy, bài tân cổ Buồn làm chi em ơi chỉ là thử nghiệm bộc phát của Linh Tâm nên phần ca cổ khá ngắn, chỉ vài phút.
Nghệ sĩ Linh Tâm hát "Buồn làm chi em ơi" bản tân cổ:
Cẩm Lan
'Hoa nở không màu' hot một phần vì ồn ào ly hôn của Hoài Lâm
"Tôi nghĩ "Hoa nở không màu" được quan tâm nhiều vì vụ "ồn ào" của gia đình Hoài Lâm là có nhưng Lâm ngày càng chinh phục khán giả bởi giọng hát của mình", nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nói.