Hiện các cơ quan chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng suốt 5 tuần qua đang nhanh chóng xúc tiến hoạt động trở lại và trả khoản tiền lương mà các nhân viên không nhận được trong thời gian ngân sách "tê liệt". Theo một tính toán mới đây, khoản tiền trả nợ lương đó lên tới 6 tỷ USD.

{keywords}
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump.

Sau những gì đã xảy ra, uy tín của Tổng thống Trump bị giảm sút mạnh. Thăm dò mới của ABC News/ Washington Post cho thấy tỷ lệ tín nhiệm ông giảm xuống mức thấp kỷ lục. Và ngay cả những người ủng hộ lớn nhất của ông trên truyền thông cũng bắt đầu xoay lưng lại với người chủ Nhà Trắng.

Bà Nancy Pelosi là người như thế nào?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ hiện đang được các thành viên cùng đảng Dân chủ ca ngợi là một người cương quyết. Cuộc chiến ngân sách tường biên giới với Tổng thống được đánh giá là bài kiểm tra sớm đối với Nancy Pelosi, người vốn không nhận được sự ủng hộ trọn vẹn của các thành viên Dân chủ khi trở thành Chủ tịch Hạ viện.

"Ở Pelosi, ông Trump đối mặt với một đối thủ khôn ngoan và không thể lay chuyển, có sự hiểu biết sâu sắc về sức mạnh được đầu tư vào Quốc hội. Bà ấy sẽ không dễ bị bắt nạt", nhà báo Davi Axelrod của CNN đánh giá.

Một bài phân tích trên báo ABC cho rằng, bà Pelosi đã buộc ông Trump phải "vẫy lá cờ trắng đầu hàng hiếm hoi" về bức tường. "Trước hết, bà ấy dồn ông ấy vào một góc. Tiếp đến, bà ấy nhìn chằm chằm vào ông ấy. Thứ ba, bà ấy không di chuyển. Thế thôi".

"Tổng thống lùi bước về chuyện Thông điệp Liên bang chỉ là một trận trong một cuộc chiến lớn hơn. Nhưng trong phép thử sớm và then chốt về khí phách của Đảng Dân chủ vốn đang kiểm soát Hạ viện, bà Pelosi không hề chớp mắt".

Vậy bà Pelosi đã làm ra sao?

Đảng Dân chủ rất vững vàng và kiên quyết phản đối kế hoạch được phe Cộng hòa ủng hộ nhằm tái mở cửa chính phủ. Ngay từ đầu, nữ Chủ tịch Hạ viện đã từ chối nhượng bộ, liên tục khẳng định ông Trump sẽ không được cấp tiền để xây tường biên giới.

Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump, bà Pelosi và lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer hồi tháng 12 đã kết thúc với bên nọ công kích bên kia, khiến nhiều người đoán biết được các cuộc thương lượng sau đó sẽ rất sóng gió.

Nhưng bất chấp áp lực gia tăng và tình trạng 800.000 lao động liên bang không được trả lương trong 6 tuần sau cuộc gặp đó, bà Pelosi vẫn nhất quyết không chi tiền xây tường.

"Đúng lúc ông Trump đầu hàng (vào thứ Sáu tuần trước), chấm dứt tình trạng đóng cửa thì Pelosi đã đánh bóng hình ảnh bản thân như một nhà lãnh đạo sắc sảo, kiên định và tin cậy của đảng mình", cây viết Alan Fram của AP bình luận. "Điều đó biến bà thành một đối thủ đáng gờm trong hai năm đầy nguy hiểm với Nhà Trắng trước cuộc bầu cử 2020".

Pelosi tự tuyên bố đó không phải là một "trò chơi quyền lực" nhưng những người chỉ trích không cho là như vậy. "Nó không thể là một cuộc thi giữa hai trung tâm quyền lực, với bên này đánh giá độ kiên trì và thông minh của bên kia", Alan Fram đánh giá. "Trong một thành phố mà nhận thức ảnh hưởng đến tầm nhìn thì Pelosi rõ ràng đã nổi lên ở thế thượng phong".

CNN cho rằng Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã làm tốt công việc khi giữ cho phe Dân chủ thống nhất - điều vốn là yếu điểm của đảng này.

Nhưng chiến thắng vừa qua có thể chỉ trong chốc lát. Hai ngày sau đợt đóng cửa lâu kỷ lục chấm dứt, Nhà Trắng tuyên bố ông Trump sẵn sàng đóng cửa chính phủ lần nữa nếu không có được thỏa thuận tường biên giới từ Quốc hội.

Bế tắc của ông với các thành viên Dân chủ ở Quốc hội còn lâu mới chấm dứt trong khi kim đồng hồ vẫn không ngừng chạy - dự luật chi tiêu mà ông Trump ký hôm 25/1 chỉ cấp tiền cho các cơ quan chính phủ hoạt động đến ngày 15/2. Hiện chưa rõ đến mốc thời gian đó, đảng Dân chủ có lay chuyển hay không.

Thanh Hảo