“Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang gia tăng, sẽ là sai lầm nếu che giấu điều đó”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin nói trong bài phát biểu trước cuộc họp thường niên với Hội đồng Nhân quyền Nga hôm 7/12.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Đây là động thái mới nhất của Moscow trong loạt cảnh báo về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân trong gần 10 tháng phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và là cảnh báo đầu tiên được đưa ra sau khi Nga cáo buộc Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công vào các sân bay quân sự ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định những cảnh báo liên tiếp của ông về kho vũ khí hạt nhân Moscow “không phải là yếu tố kích động leo thang xung đột, mà là yếu tố răn đe”. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng tuyên bố nước này chỉ coi kho vũ khí hạt nhân của mình là phương tiện để trả đũa, không phải để sử dụng trước.

“Chúng tôi không nổi điên, chúng tôi biết vũ khí hạt nhân là gì. Chúng tôi sở hữu những vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn bất cứ quốc gia hạt nhân nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chạy khắp thế giới và vung thứ vũ khí này như đang cầm một con dao”, Tổng thống Putin cho biết và nói thêm chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine có thể là “quá trình lâu dài”.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cam kết rằng Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ và các đồng minh của mình “bằng tất cả các phương tiện có sẵn”, đồng thời cáo buộc Mỹ mới là nước đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các quốc gia khác. Ông nói rằng không giống như Mỹ - quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn ở châu Âu, Nga đang thực hiện chính sách hạt nhân có trách nhiệm hơn và không chuyển giao vũ khí hạt nhân của mình cho các nước khác.

“Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được đặt với số lượng lớn trên lãnh thổ châu Âu. Chúng tôi chưa chuyển giao vũ khí hạt nhân của mình cho bất kỳ ai và chúng tôi sẽ không chuyển giao chúng. Nhưng tất nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh của mình bằng mọi cách nếu cần thiết”, ông nói.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga tại Trung tâm triển lãm và hội nghị Patriot ở Moscow. Ảnh: Reuters

Khi được yêu cầu bình luận về các phát biểu của Tổng thống Putin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Chúng tôi cho rằng mọi sự đề cập vô ý đến vũ khí hạt nhân là hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Theo ông Price, các cường quốc hạt nhân trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh - trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga - đều đã nêu rõ một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra và không bao giờ có thể chiến thắng.

“Bất kỳ sự đề cập nào, dù là đe dọa hay làm dấy lên khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng là vô trách nhiệm. Đây là hành động nguy hiểm, đi ngược lại tinh thần của tuyên bố cốt lõi trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân từ sau Chiến tranh Lạnh”, ông nói thêm.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cũng cho biết khối này không nhượng bộ trước hành vi đe doạ của Nga. Ông nói: “Chúng ta cần kiên định, đi đúng hướng, tiếp tục gây áp lực lên Nga. EU đang chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 9 và chúng ta cần tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Ukraine”.

Theo giới chuyên gia, việc Nga đề cập đến vũ khí hạt nhân chỉ được đưa ra như lời đe doạ đáp trả khi phương Tây tấn công Nga hoặc trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng thời, đây cũng là động thái “nắn gân” phương Tây về những nguy cơ khi tiếp tục chuyển giao các loại vũ khí tiên tiến hơn cho Kiev. Đây cũng là hồi chuông hối thúc Mỹ tránh những kịch bản có thể dẫn đến rủi ro đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat phóng thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga. Ảnh: Reuters

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga hay khi nước Nga bị đe dọa.

Vào cuối tuần trước, ông Putin tuyên bố Nga đang liên tục củng cố bộ ba răn đe hạt nhân, nhiều hệ thống trong số này không có đối thủ trên thế giới. Ngoài ra, theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga còn đang tiến hành nhiều dự án nghiên cứu và phát triển ứng dụng nhằm tăng cường sức mạnh cho lá chắn hạt nhân, cũng như năng lực quốc phòng của nước này.

Bộ ba răn đe hạt nhân của Nga gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Duy trì ba trụ cột hạt nhân này sẽ giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Hiện có 4 nước sở hữu năng lực này gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nga cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat với tầm bắn 18.000km và trang bị nhiều biện pháp nhằm xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương. Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa Sarmat sẽ được bàn giao cho quân đội Nga, những quả đạn đầu tiên dự kiến biên chế cho một đơn vị ở tỉnh Krasnoyarsk trong năm nay.

Tổng giám đốc tập đoàn Không gian Roscosmos Dmitry Rogozin nói rằng mỗi quả đạn Sarmat “đủ sức phá hủy một nửa bờ biển của lục địa thù địch”, nhấn mạnh loại tên lửa này sẽ là trụ cột cho lá chắn hạt nhân Nga trong khoảng 30 đến 40 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kịch bản vũ khí hạt nhân được sử dụng trên chiến trường Ukraine vẫn khó xảy ra, bởi nó chứa đựng quá nhiều rủi ro về cả quân sự và chính trị mà Tổng thống Putin cần phải tính đến.

Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Do đó, cần phải tránh kịch bản này bằng mọi giá.

Theo Báo Tin tức