TIN BÀI KHÁC:
Theo BBC, những số liệu mới nhất cho thấy, hơn 20.000 người nước ngoài đã tham gia các cuộc xung đột ở Iraq và Syria trong 3 năm qua, với khoảng 4.000 người đến từ Tây Âu. Anh thuộc diện những nước có người "bỏ đi" nhiều nhất, với khoảng 500-600 người lên đường gia nhập IS.
Tỉnh Raqqa của Syria hiện nay là thành trì của IS. (Ảnh: Reuters) |
Hiểu được nạn cực đoan hóa và tuyển tân binh, cũng như những vấn đề thực tế của dòng người gia nhập IS là điều cốt yếu, nhưng đoán biết và lần theo được những cá nhân này thì không hề dễ dàng.
Các chiến binh khủng bố nước ngoài và cả "cô dâu thánh chiến" là những đối tượng rất khó đoán. Bên cạnh đó, rất ít điều được biết đến về hành trình từ quê nhà tới IS của họ.
Tuy nhiên, theo dõi các diễn đàn truyền thông xã hội, lần theo những tương tác trực tuyến và tìm hiểu những người từng bị cực đoan hóa đã cung cấp cho tổ chức cố vấn Viện Đối thoại chiến lược (ISD) một cái nhìn vô cùng giá trị về dòng người di cư gây tranh cãi này.
Theo ISD, các mạng lưới gia đình, truyền thông, giáo dục, đảng phái chính trị và các nhóm xã hội đều có ảnh hưởng tới cách thức chúng ta nhận thức về danh tính và ý thức hệ của mình - và IS cực thạo trong chuyện này.
Một báo cáo mới của ISD cho biết, các "nữ chiến binh" phương Tây thường từ bỏ hết gia đình và bạn bè ở quê hương để kết thân với những người mới trong IS. Những "người anh em, chị em" IS trở thành gia đình, thành trung tâm truyền thông và giáo dục.
IS dành thời gian, tiền bạc và cả chuyên môn để nuôi dưỡng những mạng lưới như trên. Không gian mạng đóng vai trò như một điểm tiếp xúc và được xem là một nguồn cực đoan hóa.
Các tổ chức khủng bố khác thường duy trì truyền thông, thông tin và liên lạc nội bộ theo cách kiểm soát chặt và tập trung cao. Trong khi IS lại cho phép và khuyến khích các chiến binh nước ngoài, chiêu mộ phụ nữ và người ủng hộ ở nước ngoài đăng thông điệp, chia sẻ thông điệp và trải nghiệm của mình với người khác trên một loạt các diễn đàn online.
Điều đó có nghĩa là chiến dịch tuyên truyền của tổ chức cực đoan này rất có ảnh hưởng và phân tán ra nhiều ngôn ngữ. Nhờ đó, những cá nhân quan tâm có thể liên lạc với những người từng hành trình tới lãnh địa IS, để hỏi ý kiến và nhận được lời khuyên.
Tuy nhiên, các mạng lưới cực đoan offline và những kẻ chiêu mộ vẫn giữ vai trò then chốt trong tiến trình cực đoan hóa, giới thiệu người trẻ tới những không gian "tẩy não" trên mạng.
Người nước ngoài gia nhập IS thường sử dụng Internet để hỗ trợ cho ý đồ của mình. Nhiều người đã tới được Syria thì khuyến khích và cho lời khuyên.
Họ đăng tải lên các blog, cổ vũ những người khác tham gia. Họ cũng hướng dẫn về hành trang cần mang theo như quần áo, loại tiền và cách vượt qua những khâu kiểm tra ở sân bay. Địa điểm gặp gỡ và liên lạc cũng được sắp xếp trước.
Các mạng lưới trên thực địa ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ít được biết đến, nhưng có nhiều trường hợp IS trực tiếp cung cấp chỉ dẫn, thậm chí cả hỗ trợ pháp lý, để đảm bảo các tân binh nước ngoài đến được khu vực mà tổ chức này đang kiểm soát.
Thanh Hảo