Áp dụng CNTT vào xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng CNTT để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".
Với mục tiêu chung đó là xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ vận tải tiến tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể, tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh thương mại, bảo đảm các điều kiện cần thiết để tái cơ cấu lực lượng vận tải;
Tiếp tục triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải, làm nền tảng quy hoạch các hệ thống ứng dụng CNTT của toàn ngành; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, từ đó hình thành nên cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông vận tải; nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của Bộ Giao thông Vận tải và các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin trong các hoạt động của ngành; phát triển các ứng dụng với mục tiêu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng với đó là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải; hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Hình thành được các doanh nghiệp vận tải có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận tải và dịch vụ logistics để cung cấp vận tải đa phương thức, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa đường sắt, hàng không.
Phát triển hợp lý các phương thức vận tải gắn với các nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải; tăng cường kết nối giữa các phương thức để phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đưa chi phí vận tải hàng hóa xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu
Đề án sẽ ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa: Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn tuyến quan trọng thuộc đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức giữa các cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải với thị trường Camphuchia, các cảng khu vực Hải Phòng với Tây Nam Trung Quốc, các cảng khu vực miền Trung với Lào, Thài Lan và Myanmar.
Nâng cao kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn...
Đưa CNTT, ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực GTVT
Đề án mới của Chính phủ nêu rõ: Tăng cường triển khai ứng dụng CNTT, áp dụng các công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực GTVT nhất là trong công tác quản lý, điều hành, khai thác, liên kết các phương thức vận tải, quản lý đa phương thức, dịch vụ logistic; ưu tiên tiên các ứng dụng CNTT nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực khai thác hạ tầng, phương tiện và cải cách thủ tục hành chính.
Hoàn thành xây dựng và đưa vào kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT có thể áp dụng cho các đơn vị thuộc bộ kịp thời và chính xác.
Xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, phù hợp với đặc thù của Việt Nam, vừa đảm bảo kế thừa vừa tạo tính đột phá để đạt được các mục tiêu cụ thể với tốc độ nhanh hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành GTVT.
Xây dựng hệ thống dữ liệu cơ sở về hoạt động vận tải của các phương thức, thống kê số liệu vận tải, các phần mềm quản lý hoạt động vận tải, quản lý phượng tiện,… đồng bộ thống nhất, đảm bảo kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị kinh doanh vận tải trong toàn quốc.
Hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý vận tải đường bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác hệ thống trung tâm điều hành vận tải, trạm dừng nghỉ, kiểm soát trọng tải xe, hệ thống giao thông thông minh, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe,… triển khai đồng bộ thiết bị kiểm soát hành trình. Áp dụng công nghệ RFID để triển khai đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm BOT.
Ứng dụng KHCN trong tổ chức điều hành vận tải, tăng năng lực thông qua và an toàn trên các tuyến cho cả tàu khách và tàu hàng. Hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực thương mại, kỹ thuật khai thác và quản lý như công nghệ tự động hóa, giám sát….