Xuất hiện xu hướng đảo chiều
Việc phụ thuộc nguồn thu vào quảng cáo không phải là vấn đề của riêng báo chí Việt Nam, mà là nỗi lo chung của giới báo chí toàn cầu.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN - IFRA) cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, số tiền thu về từ quảng cáo luôn chiếm từ 70 - 80% doanh thu của các báo điện tử.
Hậu quả của tình trạng này là sự phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu quảng cáo của các tờ báo online. Cũng vì thế, để có được nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, nhiều tờ báo phải chạy theo view (lượt xem) bằng những thông tin giật gân câu khách, góp phần khiến hình ảnh của báo chí và giới truyền thông ngày càng bị méo mó đi trong mắt công chúng.
Tuy vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy thực tế này đang có xu hướng đảo chiều.
Cũng theo số liệu của WAN - IFRA, kể từ năm 2014, tỷ trọng nguồn thu từ quảng cáo trong tổng doanh thu của các báo điện tử đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn thu từ độc giả lại đang theo chiều hướng tăng dần lên.
Cụ thể, doanh thu từ độc giả của các báo điện tử chỉ chiếm khoảng 18,9% tổng doanh thu của các báo điện tử năm 2014. Tuy vậy, con số này đã tăng gấp 1,5 lần, lên thành 28,8% tổng doanh thu trong năm 2019.
Mặc dù cán cân tỷ trọng nguồn thu vẫn lệch hẳn về phía doanh thu quảng cáo, các tờ báo online đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu của mình hơn.
Người dùng đang có xu hướng quay trở lại với thói quen đọc báo trả tiền, kể cả khi đó là những tờ báo online. Đây là một sự thật bởi lượng người chấp nhận trả tiền khi đọc báo online tăng trưởng với tỷ lệ 15% mỗi năm và xu thế này vẫn còn đang tiếp tục.
Xét trên bình diện toàn cầu, nếu như năm 2014, chỉ có 13,4 triệu người chấp nhận trả tiền để đọc báo qua mạng thì đến năm 2019, con số này đã là 41,3 triệu.
Trong một thế giới đầy rẫy tin giả từ các trang mạng xã hội, ham muốn của người dùng với những tin tức chất lượng chưa bao giờ lớn đến vậy. Chính điều này đã tác động đến xu hướng phát triển của báo chí cũng như làm thay đổi hành vi người dùng.
Để bán được nội dung thì phải tăng chất lượng
Thực tế cho thấy, nhiều tờ báo vẫn sống ổn bất chấp việc chuyển đổi hình thức phát hành từ báo in lên môi trường số.
Bắt đầu phát triển mô hình thuê bao trả tiền từ năm 2011, tính đến nay, The New York Times đã có hơn 5 triệu độc giả đăng ký mua báo online định kỳ (subscriptions). Đáng chú ý khi 20% trong số này, tương đương với hơn 1 triệu thuê bao là người dùng mới phát sinh trong năm 2019.
Với mức phí 9,99 USD/tháng trong năm đầu và 15,99 USD/tháng trong những năm tiếp theo, The New York Times đã kiếm về tới hơn 800 triệu USD từ độc giả online trong năm vừa qua.
Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm nay khi chỉ trong Quý 1 của năm 2020, tờ báo này đã chứng kiến mức tăng kỷ lục với hơn 587.000 thuê bao mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến của New York Times đã sụt giảm tới 50-55%. Chính vì lẽ đó, New York Times đang nỗ lực cân đối nguồn thu của mình bằng việc phát triển các thuê bao trực tuyến. Mục tiêu của tờ báo này là có được 10 triệu thuê bao trả phí thường xuyên vào năm 2025.
Không phải tờ báo nào cũng làm được như New York Times, tuy nhiên đây cũng không phải là hình mẫu duy nhất. Nhiều tòa soạn khác trên khắp hành tinh đang tích cực đổi mới trong bối cảnh công nghệ đang làm thay đổi thói quen của độc giả.
Zimbabwe là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ 1.790 USD và phí data di động ở mức 75,2 USD/Gb. Thế nhưng khi triển khai việc trả tiền đọc báo online, tờ The Financial Gazette của nước này đã nhanh chóng kiếm về cho mình 80.000 thuê bao trả tiền hàng tháng.
Có thể thấy khả năng tăng trưởng mô hình báo chí trả tiền không phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế. Thành công của mô hình này phụ thuộc rất lớn vào tư duy phát triển nội dung của các tòa soạn.
Điều này có thể là một gợi ý cho báo chí Việt Nam. Đó là, thay vì viết nội dung chất lượng thấp để “ăn tiền” quảng cáo, báo chí trong nước nên suy nghĩ về việc thay đổi phương thức kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao.
Tuy nhiên đồng thời với nó phải là chất lượng nội dung được cải thiện. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giải được bài toán về việc đa dạng nguồn thu cho báo chí.
New York Times đã có hơn 5 triệu độc giả đăng ký mua báo online định kỳ. Ảnh minh họa |
Các mô hình thu phí và gợi ý cho Việt Nam
Việc kiếm nguồn thu từ độc giả sẽ được cụ thể hóa qua 3 mô hình: thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí. Lúc này, mỗi tòa soạn sẽ có chiến lược thu phí của riêng mình để phát triển tầm ảnh hưởng và tối ưu hóa lợi nhuận.
Mô hình 1: Chấp nhận giảm user, lấy chất lượng bù số lượng
Mô hình thu phí cứng yêu cầu người dùng phải trả một khoản phí cố định hàng tháng để tiếp cận với nội dung của một tờ báo online.
Ví dụ tiêu biểu nhất cho việc áp dụng mô hình thu phí cứng là tờ The Times của Anh. Sau tháng đầu dùng thử, độc giả của The Times sẽ phải bỏ ra 10 Bảng Anh ( khoảng 285.000 đồng) mỗi tháng để được tiếp cận nội dung tờ báo.
Bằng một phép tính đơn giản, với khoảng 3,4 triệu thuê bao đăng ký đọc báo online, tờ The Times sẽ thu về 1.000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ với nguồn thu từ người đọc.
Thực tế cho thấy, phương pháp này sẽ mang lại một nguồn tiền lớn và thường xuyên cho những tờ báo có người đọc trung thành, biết nhắm tới nhóm độc giả phù hợp và trở thành kẻ thống trị ở phân khúc khách hàng mục tiêu.
Tuy vậy, từ chối độc giả nếu không trả tiền là một tùy chọn mang đầy tính rủi ro cho các tòa soạn. Không phải người đọc nào cũng sẵn sàng trả phí. Bằng chứng là tờ The Times đã mất tới 90% độc giả online của mình khi việc thu phí hàng tháng được triển khai.
Một ví dụ thành công khác là tờ The Wall Street Journal với khoảng 2 triệu độc giả trả phí online. Thế nhưng, tờ báo này đã phải mất tới 24 năm để có thể đạt được con số mơ ước đó.
Mô hình 2: Miễn phí trước, trả tiền sau
Ở hình thức thu phí mềm, tờ báo sẽ đặt ra một giới hạn cụ thể số lần người đọc được tiếp cận với nội dung miễn phí. Financial Times và sau đó là New York Times là những kẻ tiên phong trong mô hình này. Cả 2 tờ báo đều cho phép người dùng truy cập 10 bài viết mỗi tháng trước khi yêu cầu họ phải trả phí.
Đây là mô hình khá hiệu quả khi The New York Times đã có hơn 5 triệu người đăng ký và trở thành tờ báo online trả phí thành công nhất hiện nay. Với Financial Times, sau khi trở thành tờ báo top đầu ở mảng độc giả của mình, tờ báo chuyên về tài chính này đã chuyển sang mô hình thu phí cứng.
Với mô hình thu phí mềm, một thách thức đặt ra là các tòa soạn phải lựa chọn ngưỡng bắt đầu thu phí là bao nhiêu? Có bao nhiêu nội dung được cho đi? Và cho đi đến bao nhiêu thì bắt đầu tính phí?
Mô hình 3: Chỉ thu phí nội dung chất lượng
Đối với mô hình thứ 3 là bán trả phí, người dùng sẽ được truy cập vào một lượng lớn nội dung miễn phí. Tuy nhiên, độc giả sẽ phải trả tiền để tiếp cận với những nội dung chuyên sâu hoặc để có được những trải nghiệm tốt hơn.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu báo chí Reuters, cùng với thu phí mềm, bán trả phí hiện là 1 trong 2 hình thức báo chí trả tiền phổ biến nhất ở nhiều quốc gia châu Âu. Đây cũng là mô hình được VietnamPlus - tờ báo đi đầu về báo chí trả tiền tại Việt Nam lựa chọn.
Nhìn chung, cả 3 mô hình thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí đều có những ưu nhược điểm riêng. Việc vận dụng một cách linh hoạt 3 mô hình này theo từng kịch bản khác nhau sẽ mang tới những cách làm sáng tạo.
Đây sẽ là lời gợi mở cho những người làm báo Việt Nam về việc phải làm thế nào để có thể phát triển các mô hình báo chí trả tiền. Chỉ có đa dạng nguồn thu cho báo chí, chúng ta mới có thể tăng chất lượng nội dung và cải thiện thu nhập cho những người làm báo.
Ngọc Châu