|
Giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB chỉ bằng 34,9% so với mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng). |
>> Chiều nay, Bộ TT&TT họp báo thông tin về điều chỉnh cước 3G / / Bộ TT&TT cho phép các mạng tăng cước 3G khoảng 20 %
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông đã công bố chính thức những thông tin, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G từ ngày 16/10/2013 của 3 nhà mạng đang thống lĩnh thị trường gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone.
Trước hết, về sở cứ điều chỉnh giá cước, ông Hải cho biết: khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, giá, cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Theo đó, giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới, bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế; và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.
Về giá thành, theo doanh nghiệp báo cáo và đã được Bộ TT&TT xác nhận thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đồng/MB (chưa tính VAT) và 184,4 đồng/MB (gồm VAT). Trong khi đó, giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB (gồm VAT), chỉ bằng 54% giá thành.
Về cung cầu trên thị trường: Các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng cho mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G) với khoảng 44.000 trạm phát sóng (tính đến quý 2/2012). Giai đoạn đầu cung lớn hơn cầu, doanh nghiệp phải hạ giá cước xuống thấp để phát triển thuê bao và khai thác hiệu quả hạ tầng đã được đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G tăng mạnh đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Doanh nghiệp cần từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đến giá thành để có nguồn thu nhằm tái đầu tư mở rộng mạng lưới.
Về so sánh giá cước ở Việt Nam với khu vực và thế giới: Giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB chỉ bằng 34,9% so với mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng). So sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) thì mức giá cước của VN (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn nữa, việc khuyến mại, chiết khấu lớn và thường xuyên làm cho giá cước dịch vụ thông tin di động giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng không tăng bằng mức giảm giá cước, dẫn đến doanh thu bình quân trên thuê bao (APRU) chỉ từ 4,4 USD/tháng thuê bao (2013), thấp hơn nhiều so với mức xấp xỉ 20 USD/tháng thuê bao tại các nước phát triển.
Để bảo đảm việc tăng giá cước theo lộ trình hợp lý, không gây tác động quá lớn đối với người sử dụng và thị trường, các doanh nghiệp đã áp dụng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng tăng một số gói cước, giảm một số gói cước, giữ nguyên một số gói cước và đưa ra một số gói cước mới nhằm đáp ứng tính đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Với các gói tăng giá, mức độ tăng khoảng 15% so với trước. Với các gói cước giảm giá, mức độ giảm là 4,9%. Mức độ điều chỉnh phương thức tính cước sang 50KB+50KB là khoảng 10%. Tính chung tổng mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20%.
Về phạm vi điều chỉnh, trong tổng số 91,21 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9/2013, chỉ có 18,94 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G, chiếm tỷ trọng 20,77% (chỉ tính khách hàng thông thường, không tính khách hàng lớn, khách hàng đặc biệt không điều chỉnh giá cước đợt này). Trong số này, khoảng 2,72% số thuê bao được giảm giá cước; 9,38 thuê bao được giữ nguyên giá cước, khoảng 8,66% thuê bao bị tăng giá cước.
Cục trưởng Phạm Hồng Hải thêm một lần khẳng định phương thức điều chỉnh, mức điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone tương đối hợp lý, không gây tác động quá lớn đối với xã hội.
Bên cạnh những thông tin về việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đã chia sẻ thông tin về việc triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) chính thức từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, tất cả phần Hỏi - Đáp của buổi họp báo đều chỉ tập trung vào vấn đề tăng cước 3G.
Phần hỏi - đáp giữa các phóng viên với đại diện Bộ TT&TT.
Phóng viên báo Pháp luật TP.HCM:
Theo lý do tăng cước 3G mà Bộ đưa ra, có 1 lý do là cung - cầu trên thị trường, trước đây ít người dùng nên giá rẻ, giờ đông người nên giá tăng. Vậy đảm bảo giá hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu vì số lượng người sử dụng ngày càng tăng, đến một lúc nào đó giá thành lại tăng thì sao?
So sánh các nước theo thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam không phải là nước phát triển, thu nhập đương nhiên rất thấp, tại sao không so với các nước tương đương mà lại so với các nước phát triển?
Thực tế mạng 3G ngày càng chậm, giờ lại ngày càng đắt, vậy cơ quan quản lý nghĩ thế nào?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Theo quy định của Luật Giá và Luật Viễn thông, giá cước dịch vụ phải căn cứ vào 3 sở cứ gồm giá thành, cung - cầu trên thị trường, mặt bằng quốc tế và khu vực. Khi xem xét để định giá cũng như thẩm định đăng ký giá thì Bộ TT&TT căn cứ vào 3 yếu tố đó chứ không chỉ căn cứ vào mỗi cung - cầu. Về nguyên tắc, giá thành rất phụ thuộc cung - cầu, ví dụ chi phí chia cho số lưu lượng (phút) truy nhập thì ra giá thành của 1 phút hoặc 1MB. Mức độ lúc ban đầu đầu tư vào thì giá thành rất cao. Cũng giống con đường đầu tư rất lớn nhưng không ai đi, nếu lấy giá cao thì không ai dùng cả. Thường giai đoạn đầu, các nhà cung cấp chỉ lấy giá vừa phải để thu hút người dùng. Khi số lượng thuê bao, số lưu lượng tăng, nhu cầu tăng, trong khi cung không đáp ứng được thì bắt buộc phải điều chỉnh để bảo đảm doanh nghiệp thu được nguồn tiền tái đầu tư mở rộng mạng lưới, lúc đấy mới đảm bảo được chất lượng dịch vụ.
Cơ sở quan trọng nhất của giá cước là giá thành. Hiện giờ, giá thành chưa đạt được thì chúng ta tiếp tục phải điều chỉnh. Đây là chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương của Bộ TT&TT. Quy luật thị trường nói chung là giá cước phải dựa trên cơ sở giá thành. Thời gian tới, theo lộ trình, tất cả giá cước dịch vụ sẽ điều chỉnh xem xét để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở giá thành. Khi đạt được giá thành, lưu lượng tăng đủ lớn, cùng với việc khấu hao, đầu tư, càng ngày số lượng sử dụng càng đông thì giá thành sẽ giảm đi. Khi sản xuất số lượng ít thì giá thành cao, số lượng nhiều thì giảm. Giá thành rồi sẽ giảm đi nhưng cần điều chỉnh dần đến khi nào giá cước bảo đảm trên cơ sở giá thành để đảm bảo tái đầu tư cho doanh nghiệp. Sẽ căn cứ cung - cầu để quyết định tăng hay giảm giá.
Giá cước trước khi điều chỉnh chỉ bằng 54% giá thành, sau khi tăng chỉ bằng 60% giá thành, vẫn thấp hơn giá thành. Có thể sang năm giá thành giảm đi khi lưu lượng tăng, nếu vẫn cao thì tiếp tục điều chỉnh. Việc tăng giảm giá cần coi là hoạt động bình thường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
So sánh tương đối với nước ngoài, gần đây nhiều thông tin nói là nước mình thu nhập thấp, không thể so với nước phát triển. Đúng là không thể so sánh tuyệt đối. Ở đây chúng tôi lấy so sánh tương đối. Đối với trung bình 1MB thì chi trả của người sử dụng hàng tháng chiếm bao nhiêu % thu nhập quốc dân đầu người. So tương đối thì Việt Nam vẫn thấp hơn các nước phát triển và kể cả nước bằng hoặc thấp hơn mình (về thu nhập bình quân đầu người - PV). Nếu so sánh tuyệt đối thì mình thấp hơn các nước nhưng thu nhập mình vẫn thấp nên chỉ so sánh tương đối, và mình vẫn đang thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Người mua hàng hóa dịch vụ không chỉ riêng viễn thông đều quan tâm chất lượng, giá cả và giá cả tương xứng với chất lượng. Giai đoạn qua, khi đầu tư ban đầu, người sử dụng ít thì chất lượng cao. Nhưng hiện nay, chất lượng dịch vụ ở một số thời điểm, một số khu vực giảm vì số lượng người đông, hạ tầng không được đầu tư mở rộng. Nếu không có nguồn thu thì không thể tái đầu tư mở rộng. Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp song song với điều chỉnh giá cước thì tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới đảm bảo chất lượng theo quy định và chất lượng đã cam kết với Bộ TT&TT khi thi tuyển. Nếu vi phạm chất lượng sẽ bị phạt.
Năm nay, Bộ TT&TT sẽ ban hành quy chuẩn chất lượng dịch vụ dữ liệu (3G). Bộ TT&TT sẽ đầu tư lớn cho hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, giám sát chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao.
Phóng viên báo Người tiêu dùng:
Thứ trưởng vừa nói nếu thời gian tới số lượng thuê bao tăng thì có thể sẽ giảm giá. Nhưng thời gian qua có thông tin có thể trong năm 2014 sẽ tiếp tục tăng cước 3G. Liệu điều đó có mâu thuẫn không?
Việc tính giá thành của ngành viễn thông khác với xăng dầu, điện vì trong ngành viễn thông, khi sử dụng cơ sở hạ tầng thì khấu hao tính hàng chục năm. Hiện các nhà mạng đều có lãi. Có thể đuổi kịp xu hướng thị trường nhưng lúc này tăng 20% - 40% liệu có đảm bảo không?
Về chất lượng dịch vụ, dù đã tăng giá cước đến 40% nhưng ngay cả giờ cao điểm, dịch vụ mạng vẫn chậm, thậm chí tồi tệ hơn thời điểm trước khi tăng giá. Thời gian tới, Bộ có cùng các nhà mạng triển khai dịch vụ khác cho người tiêu dùng có thêm lựa chọn?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Ngoài các thông tư, quy định về tài chính, kế toán, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định giá thành, hàng năm doanh nghiệp phải báo cáo giá thành dịch vụ, không phải mãi mãi để 1 giá. Khi số lượng người sử dụng tăng lên, khấu hao hết thì giá thành phải giảm. Bộ sẽ kiểm soát, nếu giá cước tăng bất hợp lý thì điều chỉnh giảm, còn nếu chưa đến giá thành thì điều chỉnh tăng, chứ không phải tăng mãi không giảm. Theo quy định là cả tăng cả giảm trên cơ sở giá thành, mặt bằng của thế giới và cung - cầu thị trường. Thực tế ngành viễn thông hàng chục năm qua chỉ có giảm không tăng.
Hiện giờ, giá thành là 167 đồng/MB, sang năm có thể tăng lên 180 đồng/MB, nếu giá bán vẫn 100 đồng/MB thì tiếp tục tăng. Nếu giá thành giảm mạnh đến mức chỉ còn 100 đồng/MB thì không tăng nữa hoặc nếu tăng cao quá thì đến một thời điểm cũng phải giảm. Nên coi tăng giảm giá cước là đúng quy luật thị trường.
Về khấu hao, lĩnh vực viễn thông khấu hao rất nhanh chứ không phải như phóng viên nói là kéo dài hàng chục năm. Thậm chí trung bình nhà nước quy định khấu hao 5 - 7 năm, nhưng ngành viễn thông chỉ 2 - 3 năm đã khấu hao rất nhanh và phải xin cơ chế đặc thù để làm điều đó. Mới đây, Viettel vừa xin cơ chế khấu hao nhanh vì thiết bị công nghệ chỉ 3 - 5 năm lại ra một thế hệ công nghệ mới. Nếu không khấu hao nhanh thì sẽ lạc hậu, không đủ tiền đầu tư thế hệ công nghệ mới. Khi khấu hao nhanh thì giá thành phải đẩy lên, phải đưa vào trong giá thành, không phải như một số ngành hạ tầng khác kéo dài khấu hao. Đấy chính là 1 áp lực đối với doanh nghiệp công nghệ cao.
Về chất lượng: Công nghệ thay đổi rất nhanh. Khi doanh nghiệp tham gia thi tuyển 3G thì công nghệ đăng ký thi tuyển mới là công nghệ 3G. Nhưng khi doanh nghiệp triển khai thực tế thì công nghệ đang triển khai trên mạng lưới là 3,5G. Các doanh nghiệp đều đã vượt cam kết 3G.
Về phía Bộ TT&TT, theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, vẫn phải đợi nhịp đầu tư. Năm 1995 chúng ta triển khai 2G. Đến năm 2009, tức là 14 năm sau thì triển khai 3G. Thời gian ngắn đi nữa thì cũng 5 - 7 năm mới triển khai thế hệ tiếp theo. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 mà Thủ tướng phê duyệt đã xác định sau năm 2015 sẽ nghiên cứu xem xét cấp phép triển khai các dịch vụ băng rộng di động thế hệ tiếp theo, có thể 4G. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn, đầu năm 2012 đã đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng, đến nay thì chắc chắn vượt qua con số 30.000 tỷ đồng rất nhiều, cũng phải trên 1,5 tỷ USD nhưng doanh thu thu được trực tiếp từ dịch vụ 3G rất ít. Thực tế các doanh nghiệp đang phải bù lỗ một phần từ các dịch vụ 2G sang cho 3G. Nhưng theo Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế không cho phép bù chéo giữa các dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Vì có những doanh nghiệp chỉ kinh doanh 1 dịch vụ, ví dụ chỉ kinh doanh dịch vụ cố định, nếu các doanh nghiệp kinh doanh di động lại làm cả di động và cố định rồi bù chéo sang dịch vụ cố định thì các doanh nghiệp cố định không cạnh tranh được. Hoặc có người chỉ làm 2G hoặc 3G, nếu cứ bù chéo dịch vụ thì các doanh nghiệp chỉ kinh doanh 1 dịch vụ không thể hoạt động được. Như vậy lại phi cạnh tranh.
Việc bù chéo chỉ trong phạm vi nhất định. Nếu vượt quá mức đấy và cơ quan quản lý phát hiện việc bù chéo này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác thì sẽ phải dừng. Thời gian qua, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như Viettel, VinaPhone, MobiFone bán giá cước dịch vụ 3G rất thấp hoặc khuyến mãi, chiết khấu lớn, dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể vào được thị trường. Ví dụ Hanoi Telecom, GTel, SPT, Đông Dương,... đều gặp khó khăn lớn, phải rút ra khỏi thị trường hoặc phải sát nhập, phá sản, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới người sử dụng dịch vụ vì sẽ quay trở lại độc quyền.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ:
Bộ TT&TT công bố giá thành mà doanh nghiệp công bố. Giá thành này đã được kiểm toán hoặc Bộ TT&TT thẩm định chưa?
Việc tăng giá giúp doanh nghiệp tăng doanh thu bao nhiêu?
Theo công bố của Bộ, các gói cước tăng giảm khác nhau, vậy tổng mức chung của các doanh nghiệp tăng có bằng nhau không? Mức độ tương đồng thế nào?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Giá thành công khai minh bạch. Các quy định pháp luật về tài chính kế toán đã xác định rõ phương pháp tính giá thành, Bộ TT&TT cũng có thông tư quy định xác định giá thành. Các doanh nghiệp căn cứ theo văn bản pháp luật để tính toán giá theo quy định và phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình. Hàng năm, kiểm toán và thanh tra sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ giá thành. Hiện giá do doanh nghiệp báo cáo đã được xác nhận của Bộ TT&TT theo đúng phương pháp kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, giá thành này muốn chính xác như các ngành khác thì sẽ đợi kiểm toán, thanh tra theo chu kỳ hàng năm hoặc theo từng đợt. Sẽ kiểm tra chặt chẽ. Không thể cứ tăng giá lại nhờ kiểm toán vào cuộc.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông:
Về tổng doanh thu: Hàng năm doanh nghiệp phải báo cáo với Cục Viễn thông về doanh thu theo nguyên tắc. Muốn biết doanh thu bao nhiêu thì sau này phải phụ thuộc lưu lượng cụ thể mới có con số doanh thu sẽ điều chỉnh thế nào.
Về sự tương đồng giữa các gói cước và thắc mắc liệu 3 doanh nghiệp có cùng nhau làm các gói cước hay không: Theo số liệu báo cáo chúng tôi nhận được thì trong tổng số 42 gói cước của các doanh nghiệp có 3 gói cước tương đồng, còn 39 gói còn lại hoàn toàn khác nhau.
Phóng viên truyền hình cáp, Đài Truyền hình Việt Nam
Theo thông cáo báo chí thì mức độ điều chỉnh các gói cước tăng trung bình 15%. Vậy trong các gói cước tăng thì mức tăng nhiều nhất là bao nhiêu? Tỷ lệ người sử dụng ở gói cước tăng nhiều nhất này là bao nhiêu?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Mức tăng trung bình của các gói cước tăng là 20%. Tổng phần trăm thuê bao bị ảnh hưởng tăng là 8,66%. Cục Viễn thông sẽ tính toán và cung cấp sau.
Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng:
Trước đến giờ đều nói đầu tư 3G lớn, không thu hồi vốn và lãi. Nhưng thực tế thì các nhà mạng hạn chế đầu tư 2G, dùng mạng 2G để khai thác mạng 3G. Nghĩa là một phần rất lớn doanh thu của 2G bây giờ sinh ra trên mạng 3G. Không thấy nói rõ điều này?
Con số 8,66% bị tăng giá cước, theo tôi biết thì đây chính là con số những người đăng ký 3 gói cước tương đồng và đều bị tăng 40% giá cước. Các nhà mạng có tính toán hay không? Việc tăng giảm này về mặt bằng chung thì không tăng, nhưng đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người đăng ký gói 50.000 đồng. Muốn Bộ nói rõ hơn về điều này.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Tăng cước thì chắc chắn là phải có ảnh hưởng. Số bị ảnh hưởng rất nhỏ so với không bị ảnh hưởng. Trong 8,66% (trên tổng số hơn 90 triệu thuê bao ở Việt Nam), chia nhỏ bao nhiêu % bị tăng 20%, 50%,.., thì sau này Cục Viễn thông sẽ cung cấp cụ thể.
Khác với các ngành khác, riêng ngành viễn thông khi đầu tư vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo thì phải tự nuôi mình. Nhà nước không bỏ ngân sách để hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dùng dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông phải dùng doanh thu của mình đóng góp vào Quỹ Viễn thông công ích, điều phối từ những vùng thành thị, những khách hàng có nhu cầu sử dụng cao để bù đắp cho hàng triệu khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Đa phần người dùng 3G đều dùng smartphone, laptop truy nhập Internet - những người có thu nhập khá so với hàng triệu người ở vùng sâu, vùng xa (chỉ gọi điện thoại, nhắn tin). Việc điều tiết chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Mức 8,66% và mức tăng trung bình 20% là phù hợp điều kiện hiện nay của chúng ta. Nếu giá cước xấp xỉ giá thành thì mức cước không cần tăng nhiều. Nhưng nay sau khi tăng rồi, giá thành cũng chỉ đẩy lên được 10 đồng/MB thôi.
Phần đầu tư cho 3G cũng bù đắp, hỗ trợ một phần khi lưu lượng 2G bị nghẽn và lưu lượng điện thoại 2G tràn sang 3G. Nhưng phần này không đáng kể so với chi phí đầu tư cho 3G. Sau 20 năm chúng ta chỉ đầu tư được 100.000 trạm. Nhưng trong vòng 4 năm qua đầu tư 44.000 trạm 3G, toàn bộ số tiền đầu tư cho số lượng trạm 3G bằng tiền đầu tư 20 năm qua của toàn mạng di động. Phần thu về lũy kế đến nay thì tất cả các DN di động chưa đủ bù đắp cho 3G.
Một vấn đề mang tính đặc thù là khi truy nhập dịch vụ dữ liệu 3G là truy nhập Internet - dịch vụ toàn cầu. Trước đây, gọi điện thoại thì có nội hạt, đường dài, quốc tế. Nhưng nay lên Internet là 1 giá. Doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán với nhà cung cấp dịch vụ Internet. Cứ 1 kết nối Internet thì phải thanh toán nhiều gấp đôi số tiền trước đây chỉ có dịch vụ điện thoại. Trước đây, khi kết nối Internet, chỉ gần 4GB để kết nối Internet bảo đảm đầy đủ kết nối điện thoại, đến thời điểm hiện nay thì cần 400 GB, gấp 100 lần. Các doanh nghiệp Việt Nam khi thanh toán cho dịch vụ kết nối Internet trước đây trong 4GB chỉ phải trả tiền cho 2GB, còn 2GB thì đối tác nước ngoài trả cho mình, nghĩa là chỉ trả 1 chiều đi, còn chiều về họ trả. Còn hiện nay trong mô hình kinh doanh Internet thì các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển phải thanh toán 100% chi phí cho 400 GB quốc tế cả chiều đi và chiều về. Đây là sự bất công trong thời đại Internet. Các nước đang phát triển vẫn đấu tranh nhưng hiện giờ không giải quyết được.
Toàn bộ máy chủ lớn đều ở Mỹ và các nước phát triển. Nên đây là cái bất lợi trong thanh toán quốc tế. Trước đây có thể lấy phần quốc tế để bù cho trong nước, có thể giá điện thoại quốc tế cao bù cho giá nội hạt, hay giá đường dài trong nước. Nhưng hiện giờ đã lên Internet là chỉ có 1 loại giá và phải thanh toán cho đối tác nước ngoài gấp nhiều lần so với nước ngoài thanh toán cho Việt Nam. Thực tế nếu không thu đủ thì không đủ tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài. Chính vì vậy, tại sao riêng trong lĩnh vực viễn thông, điều ước quốc tế quy định rất rõ về giá cước (các lĩnh vực khác không quan tâm đến giá cước của từng nước), đều quy định cước kết nối phải dựa trên cơ sở giá thành, nếu không thì các doanh nghiệp không thể thanh toán cho nhau được.
Phóng viên VnReview:
Bộ có nói trong số 42 gói cước trình lên chỉ có 3 gói cước tương đồng, nhưng thực tế tôi theo dõi thấy 80% gói cước tương đồng, ví dụ M10 và MI10 đều 10.000 đồng và 50MB trong gói, gói M25 tương đồng giữa 2 mạng VinaPhone và MobiFone. Gói M50 cũng vậy. Rồi đến các gói không giới hạn như Dmax, Dmax 200, Dmax 100,… Đó là các gói cước dịch vụ Mobile Internet. Còn các gói dịch vụ cho laptop đều tương đồng về giá cước và số dung lượng MB miễn phí (Viettel có 3 gói, MobiFone và VinaPhone cùng có 5 gói). Dựa vào đâu nói chỉ có 3 gói tương đồng?
Gói laptop của Viettel và các mạng khác đều tính tăng cước từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, tương đương mức tăng là 233%. Không hiểu tính kiểu gì ra mức tăng trung bình là 20%
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục Viễn thông: Chúng tôi chỉ tính tương đồng khi 3 doanh nghiệp có cùng gói cước. Chúng ta đều hiểu MobiFone, VinaPhone cùng Tập đoàn VNPT nên thiết kế tương đồng nhau, kể cả tên do chỉ đạo chung của Tập đoàn. Rõ ràng có 2 nhóm: 2 DN của VNPT, và Viettel. Nói tương đồng là cả 3 doanh nghiệp này với nhau.
Bà Nguyễn Phương Hiền, Trưởng phòng Giá cước, khuyến mại - Cục Viễn thông: Về vấn đề tăng tới hơn 200%, đó là với mức ngoài khoán. Nguyên tắc điều chỉnh lần này chỉ quan tâm đến mức trong khoán để mức tăng phù hợp không gây bất ổn cho thị trường. Khi mua ngoài khoán, tức là không có kế hoạch thì phải trở về đúng giá thành. Vì vậy, mức ngoài khoán trước đây có những gói cước đâu đó 37 đồng/MB hay 60 đồng/MB, bây giờ lên 200 đồng/MB, bằng với giá thành mà chúng tôi đang xây dựng. Khi chúng ta tính mức trong khoán, đó là sở cứ để về sau thuận lợi trong việc kiểm tra chất lượng của các nhà mạng. Khi đăng ký các gói cước trong khoán, chúng ta sẽ có tổng dung lượng các gói cước trong khoán của nhà mạng. Trên cơ sở đó sẽ kiểm tra được chất lượng của doanh nghiệp, ví dụ cung cấp 1000MB trong khi dung lượng có đủ 1000MB đảm bảo chất lượng. Nếu cứ mua ngoài khoán, tăng đột biến thì không quản lý được, dẫn đến sẽ không đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp khi không đăng ký khoán thì phải trả về đúng giá thành, vì vậy mới có mức tăng từ 60 đồng lên 200 đồng/MB.
Phóng viên báo Người tiêu dùng:
Liệu các nhà mạng có bắt tay tăng giá không? Thời gian qua đã kiểm tra và phát hiện được trường hợp nào không?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Việc doanh nghiệp có lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá cước để bắt tay nhau hay không nhằm gây thiệt hại cho người dùng lại là nội dung khác. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp Bộ TT&TT, Cục Viễn thông xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý cạnh tranh đang yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và làm việc với doanh nghiệp để xem có dấu hiệu của việc bắt tay hay không. Nếu có sẽ xem xét xử lý theo pháp luật.
Ngọc Mai (ghi)