Chưa bao giờ tham vọng khống chế thị trường tài chính toàn cầu của Trung Quốc lại lớn như vào thời điểm này. Giấc mơ toàn cầu của các công ty cùng với sự hậu thuẫn từ chính sách của Bắc Kinh khiến các thị trường tài chính thế giới rung động.


Mua đứt hầm vàng 2.000 tỷ

Ngân hàng lớn nhất thế giới ICBC Standard Bank của Trung Quốc sắp hoàn tất hợp đồng mua hầm vàng có khả năng chứa 2.000 tấn vàng (trị giá khoảng 90 tỷ USD) tại London từ tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Barclays.

Địa điểm của hầm vàng và chi tiết của thương vụ bao gồm giá mua bán không được công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 7/2016. Còn về vị trí, hầm vàng lớn nhất thế giới này có thể nằm dưới lòng đường M25 tại London.

Hiện, London có 9 hầm, chứa hơn 5,1 ngàn tấn vàng và được biết đến là trung tâm bán buôn vàng lớn nhất thế giới. Hoạt động mua bán vàng tồn tại khoảng 300 năm qua tại London và hiện có khoảng 5 ngàn tỷ USD giá trị vàng được giao dịch/năm. Khoảng 25% tổng số vàng các chính phủ nắm giữ được lưu giữ tại London.

{keywords}
Lần đầu tiên người Trung Quốc thâu tóm một sàn chứng khoán Mỹ, Chicago Stock Exchange.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2016, giới đầu tư Mỹ giật mình khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Chicago (Chicago Stock Exchange - CHX) phát đi thông báo cho biết, họ đã đi đến quyết định cuối cùng là: chấp nhận để một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Tập đoàn Chongqing Casin Enterprise Group của Trung Quốc thâu tóm.

“Ban giám đốc của CHX đã đồng thuận về việc bán lại. Thương vụ sẽ được trình lên cơ quan quản lý chờ phê duyệt và dự kiến sẽ hoành thành trong nửa đầu năm 2016”, thông cáo của CHX hôm 5/2/2016 cho biết.

Như vậy, gần như không có gì có thể thay đổi, ngay trong năm 2016, giới đầu tư thế giới sẽ chứng kiến lần đầu tiên người Trung Quốc thâu tóm một sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ và thâu tóm một trung tâm giao dịch vàng của thế giới tại London.

Cho dù thông tin về các thương vụ đều không được tiết lộ, nhưng giới đầu tư thế giới tin rằng đây đều là những thương vụ mà người Trung Quốc không hề tiếc tiền.

{keywords}
Trung Quốc thâu tóm kho trữ vàng lớn nhất thế giới tại London.

Trong khi đó, truyền thông nước Anh và Mỹ đều đã bày tỏ sự lo lắng về những cuộc đi săn rủng rỉnh đầy tiền bạc và có những lời nhắn nhủ đối với nhà quản lý nước mình.

Giấc mộng của Tung Quốc

Có thể thấy, động thái của các doanh nghiệp lớn, ngân hàng lớn của Trung Quốc mà đứng sau là chính quyền Bắc Kinh khá rõ ràng: nắm giữ và làm chủ các thị trường giao dịch lớn trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng.

Chính quyền Trung Quốc cũng có hàng loạt các chính sách để đảm bảo thực hiện giấc mộng nâng cao tầm ảnh hưởng trên thị trường thế giới của Bắc Kinh.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã tung ra một loạt các quyết định bất ngờ tạo ra những cú sốc mang tính gây chiến và lộ rõ âm mưu toàn cầu của mình. Bước ngoặt lịch sử là vào tháng 8/2015. Khi đó, Ngân hàng Trung ương TQ (PBoC) đã có một quyết định khiến cả thế giới bất ngờ: đưa cơ chế quản lý đồng nhân dân tệ (NDT) sang một trang mới, chuyển từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ.

Trong 3 ngày liên tiếp, 11-13/8/2015, PBoC đã 3 lần phá giá, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm.

{keywords}
Nhân dân tệ trở thành một trong 5 đồng tiền dự trữ quốc tế.

Trước đó, Trung Quốc đã liên tục có hàng loạt các động thái thực hiện chiến lược quốc tế hóa đồng NDT như: chọn các trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong, London… làm cứ điểm giao dịch đồng NDT để làm bán đạp chiến lược tấn công vào hầu hết các khu vực, từ ASEAN, châu Âu…

Ngay sau những “nỗ lực” phá giá và quốc tế hóa đồng NDT của Bắc Kinh, cuối 2015, đồng NDT đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR.

Như vậy, cho tới thời điểm này, đồng NDT của Trung Quốc đã đóng vai trò dự trữ quốc tế nhằm duy trì tỷ giá hối đoái, thay vì chỉ có đồng đô la Mỹ (USD), euro, đồng yên Nhật và bảng Anh.

Với sự trì trệ của nền kinh tế Nhật và sự èo uột của kinh tế EU, không loại trừ trong tương lai vai trò của đồng NDT trên thế giới sẽ ngày càng tăng cao. Một số nước, trong đó có Australia, cũng đã tính tới phương án đưa NDT vào dự trự ngoại hối.

Các trung tâm giao dịch NDT như Singapore sẽ giúp Trung Quốc đón lõng các cơ hội đến từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo thỏa thuận, DN ở một số khu vực tại Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu bằng NDT ngay tại Singapore. Đây là một cơ chế mới giúp DN Trung Quốc dễ dàng vào ASEAN.

Cú tấn công vào trung tâm giao dịch vàng ở London vừa qua được đánh giá sẽ giúp Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn trong các giao dịch buôn bán và định giá vàng, thay vì chỉ là nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất trên thế giới như hiện tại.

Trong khi đó, vụ thâu tóm sàn chứng khoán Chicago sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận với thị trường chứng khoán có trị giá lên tới 22 ngàn tỷ USD của Mỹ. Đây là lo ngại của một nhóm các đại diện nghị sĩ Mỹ gửi tới Bộ Tài chính Mỹ.

M. Hà