Chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền nữa để phát triển hạ tầng giao thông theo cách như vậy ở Hà Nội. Đây cũng chính là nguyên nhân làm ra tình trạng bội chi ngân sách, nợ công cao, và dần dần sẽ tới tình trạng “kiệt sức” trong phát triển.
Gần đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội vừa trình UBND thành phố thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 Km mà phải chi tới 7.800 tỷ đồng, tức là có giá 3,5 tỷ đồng trên mỗi mét đường, tạo nên một kỷ lục mới về con đường đắt nhất hành tinh, xô đổ 2 kỷ lục đã lập của con đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (đắt gấp đôi) và con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (đắt gấp 3).
Vậy làm gì để kỷ lục làm đường ở Việt Nam không đi về hướng đắt nhất hành tinh mà đi về hướng rẻ nhất hành tinh?Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Gs. Đặng Hùng Võ.
Những con đường đắt nhất hành tinh luôn gây bức xúc trong dân khi lần họp Quốc hội nào dân ta cũng luôn thấy những nét buồn trong thảo luận về đầu tư công lãng phí, bội chi ngân sách, nợ công sắp quá ngưỡng. Trong khi đó, giá làm đường ở Việt Nam cao hơn cả ở Hoa Kỳ và Trung Hoa, những nền kinh tế đứng đầu thế giới. Hơn nữa, giá làm đường ở Hà Nội có xu hướng tăng ngày càng cao, giá “hôm nay” đã cao hơn giá "trước đó" 2 lần và cao hơn giá “trước đó nữa” 3 lần.
Nguyên nhân của tình trạng làm đường giá cao vời vợi như vậy được cho là kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở nội đô quá lớn, thường chiếm tới hơn 80% giá trị con đường. Cứ như vậy, có lẽ kỷ lục giá đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội sẽ liên tiếp bị phá, mà không có cách nào làm giảm được và trong tương lai cũng không có cách nào thu hồi kinh phí đã đầu tư khi đưa vào sử dụng.
Sự kiện dự án mở rộng đoạn đường Hoàng Cầu - Voi phục dài hơn 2,2 km với tổng kinh phí lên tới 7.800 tỷ đồng đã được đưa lên hầu hết mặt các báo như một tin rất “nóng”, tạo nên một cảm giác vừa quen mà vừa lạ. Quen vì kiểu sự kiện này ở Hà Nội cũng không phải lần đầu công chúng nhìn thấy, nhưng lại cũng lạ vì chẳng ở đâu giống như ở Hà Nội.Trên mạng xã hội thì có rất nhiều bình luận khác nhau, gần như một nửa là phản đối và một nửa là ủng hộ với nhiều góc nhìn khác nhau.
Bình luận thì nhiều, cả về hình thức và nội dung, không giấy bút nào chuyển tải hết được. Điều quan trọng nhất phải làm là cần đưa ra các giải pháp phát triển hạ tầng có lý hơn, hợp lý hơn như các nơi khác đã làm thành công và thuyết phục được lãnh đạo Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng hãy quyết tâm vĩnh biệt cách phát triển hạ tầng vô lý hiện tại.
Dự án đường vành đai 1 (Hà Nội), liên tiếp lập kỷ lục "tuyến đường đắt nhất Việt Nam". Năm 2006, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1 km có chi phí 700 triệu đồng/m. Năm 2012, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chiều dài 547 m có mức chi phí 1,4 tỷ đồng/m. Năm 2015, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ sẽ lập kỷ lục mới khi chi phí làm mỗi mét đường lên tới 2,5 tỷ đồng. (Đồ họa: Nguyễn Phượng/Kiến thức). |
Những hệ lụy xấu
Cách thức phát triển hạ tầng như vậy tạo nên nhiều hệ lụy rất xấu.
Thứ nhất, phát triển hạ tầng luôn tạo giá trị đất đai gần kề tăng lên rất nhiều, Luật Đất đai luôn đưa ra quy định rằng Nhà nước phải thu lại phần đáng kể giá trị tăng thêm trên đất mà không do chủ sử dụng đất tự đầu tư mang lại. Quy định như vậy nhưng Hà Nội chưa làm gì để thực hiện được quy định này.
Thứ hai, xuất hiện sự bất công bằng trong thụ hưởng lợi ích do con đường lớn mới phát triển mang lại, tạo nên những bức xúc xã hội khó giải quyết. Một số người bị mất hoàn toàn đất để làm đường mà giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng. Một số người bị thu hồi một phần, phần còn lại được tiếp giáp mặt đường lớn cũng có thể vui hay buồn tùy theo phần diện tích còn lại rộng hay hẹp.
Toàn xã hội thì chắc là buồn vì từ đây vẫn mọc lên những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Còn có một số người không mất tấc đất nào, đất cũ xa đường mà này lại được giáp mặt đường lớn. Một sự bất công nữa xẩy ra là không thể mang ngân sách do nhóm lớn đóng góp để chi cho lợi ích của nhóm nhỏ. Hơn nữa, người sử dụng hạ tầng lại không phải đóng góp gì để bù lại kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra để đầu tư phát triển hạ tầng.
Thứ ba, một dự án mà bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, liên quan tới nhiều người, trong nhiều hoàn cảnh đất đai khác nhau, thường gắn với nguy cơ tham nhũng rất cao. Cách tham nhũng thường gặp vẫn là giấy tờ chính thức thì mức bồi thường cao, nhưng thực hiện với dân lại thấp, nhất là đối với một nhóm dân không hiểu rõ pháp luật, tự đặt mình vào hoàn cảnh yếu thế, xin Ban bồi thường tăng thêm từng đồng cho mình. Cách nữa là tạo ra hồ sơ khống, có tên người bị thu hồi đất
nhưng người đó không còn ở đấy nữa.
Thứ tư, chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền nữa để phát triển hạ tầng giao thông theo cách như vậy ở Hà Nội. Đây cũng chính là nguyên nhân làm ra tình trạng bội chi ngân sách, nợ công cao, và dần dần sẽ tới tình trạng “kiệt sức” trong phát triển.
(Còn nữa)
Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ