Thời gian qua, xuất hiện tin đồn đến 30/09 này Chính phủ Mỹ sẽ tăng mức đầu tư chương trình đầu tư định cư (Employment Base Fifth - EB5) từ 500.000 USD lên 800.000 USD hoặc là chương trình sẽ bị đình chỉ vô thời hạn khiến rất nhiều người Việt Nam đổ xô đi làm chương trình này.

Cho Bill Gates vay tiền

Nhân viên tư vấn của Cty I. (tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) dẫn nguồn từ sở Di trú Mỹ cho biết, năm 2005 có khoảng 500 người Việt Nam thực hiện thành công đầu tư EB5 vào Mỹ và ước tính năm nay là khoảng 700 người, chưa kể người phụ thuộc.

Tại Cty U. (văn phòng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1), nhân viên tư vấn cho biết tại thời điểm này Cty đang tiếp nhận đến hơn 40 hồ sơ và chỉ tiếp tục nhận cho đến ngày 07/08, vì nếu nhận sau đó nữa thì sẽ không kịp cho hạn chót 30/09.

Vấn đề được khách hàng quan tâm nhất là dự án có tính khả thi và đáp ứng được các điều kiện EB5 của Chính phủ Mỹ hay không. Để thuyết phục khách hàng, các Cty dịch vụ làm hồ sơ EB5 đều tự giới thiệu rằng Cty mình đã thẩm định rất kỹ các dự trước khi giới thiệu với khách hàng. Trong đó, có Cty giới thiệu những dự án được cho là thuộc sở hữu của tỷ phú Bill Gates. 

Đó là dự án One Dalton - Four Seasons Hotel and Private Residences - được giới thiệu là dự án phát triển khu phức hợp cao cấp với 215 phòng thuộc hệ thống khách sạn nổi tiếng Four Seasons tại đường One Dalton, thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts – một trong 7 điểm thu hút khách du lịch nhất ở Boston.

Nhân viên Cty U. cho biết, dự án sau khi hoàn thành sẽ được quản lý bởi Tập đoàn Four Seasons, một trong những doanh nghiệp quản trị khách sạn lớn và uy tín trên toàn thế giới với 45% quyền sở hữu và kiểm soát bởi tỷ phú Bill Gates.

Thực hư Bill Gates có sở hữu 45% cổ phần ở Tập đoàn này hay không thì còn cần phải kiểm tra lại, nhưng chỉ riêng việc dự án phong thanh có sự nhúng tay của người giàu nhất thế giới thì nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể yên tâm. Anh Sơn, một khách hàng được tư vấn tại đây vui vẻ bình luận: “Được cho người khổng lồ vay tiền thì dù ít cũng sướng”.

Còn ở Cty I., những thước phim giới thiệu Dự án Wall Street Tower khiến khách hàng cảm thấy “giấc mơ Mỹ” đang rất gần. Wall Street Tower được giới thiệu là một tòa nhà gồm 60 tầng với tổng diện tích gần 41.000m2, khoảng 228 căn hộ hạng sang, khu bán lẻ và các tiện nghi khác nằm ngay ngã tư William-Furton, trong khu vực trung tâm Manhattan, New York. Dự án do Tập đoàn Lightstone làm chủ đầu tư.

Nhân viên tư vấn của IBID cho biết, dự án được đích thân Chủ tịch Tập đoàn Lightstone, tỷ phú David Litchenstein cam kết bảo lãnh với nhà đầu tư EB5.

Nửa triệu USD “chảy” tự do sang Mỹ?

Làm thế nào để chuyển được một lượng tiền lớn sang Mỹ khi chưa là công dân Mỹ là một vấn đề lớn, bởi nếu không khéo thì “tiền mất, tật mang” vì vận chuyển và sử dụng tiền lậu. Hầu hết các Cty dịch vụ đều không thực hiện chuyển tiền cho khách hàng mà liên kết với đối tác khác thực hiện dịch vụ này, và tất cả đều không công khai với khách hàng về đối tác chuyển tiền. Việc chọn đối tác nào và phí chuyển bao nhiêu thì chỉ khi đến khâu chuyển tiền, khách hàng mới được biết.

Tại Cty G. (tọa lạc trên đường Lê Duẩn), giám đốc điều hành tuyệt nhiên không cung cấp chút thông tin nào về đối tác chuyển tiền, kể cả mức phí. Ở Cty U., nhân viên cho biết sẽ chuyển qua kênh kiều hối. Phí chuyển tiền khoảng 2-3%, tương đương 11.000-16.500 USD.

Còn Cty I. thì cho biết, đối tác của họ là một Cty xuất nhập khẩu (XNK). Khách hàng sẽ được Cty I. mở cho một tài khoản tại Mỹ. Lúc chuyển tiền, khách hàng sẽ được Cty XNK ký nhận nợ số tiền cần chuyển rồi Cty XNK này dùng tài khoản tại Mỹ của họ chuyển vào tài khoản của khách hàng tại Mỹ. Ngay sau đó hai bên tiến hành thanh lý khế ước nhận nợ. Phí chuyển tiền khoảng 2,5% và khoản phí này sẽ không được hoàn trả trong tình huống hồ sơ EB5 không được xét duyệt.

Với cách thức trên, nếu đúng như ước tính của nhân viên Cty I. là số lượng người tham gia EB5 vào Mỹ đến tháng 9 năm nay là khoảng 700 người thì số ngoại tệ chảy tự do từ Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay liên quan đến EB5 đã khoảng nửa tỷ USD. Và liệu cơ quan chức năng có nắm bắt được vấn đề này hay không?

Chương trình đầu tư định cư EB-5 (Employment Base Fifth)

EB-5 là chương trình được Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) quản lý, chuyên cấp thị thực cho những doanh nhân nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp hoặc một số lĩnh vực kinh tế tại Mỹ để được cấp thẻ xanh (Green Card) và trở thành thường trú nhân Mỹ. Người có thẻ xanh theo diện EB-5 có thể sinh sống và làm việc vĩnh viễn tại Mỹ cùng vợ/chồng và con cái chưa kết hôn dưới 21 tuổi của họ.

Những yêu cầu của Chương trình đầu tư định cư EB-5: Để đáp ứng các yêu cầu của Chương trình đầu tư định cư EB-5, nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vốn vào một doanh nghiệp Mỹ. Khoản đầu tư bắt buộc phụ thuộc vào vị trí và loại hình của doanh nghiệp nhận khoản đầu tư đó.

Nhìn chung, khoản vốn đầu tư phải là 1.000.000 USD tính theo tỷ giá thị trường hiện tại của Mỹ. Vốn đầu tư được rót vào những khu vực bị suy thoái kinh tế được gọi là TEA (Targeted Employment Area) hoặc vùng ngoại thành với mức đầu tư tối thiểu là 500.000 USD. Các khoản đầu tư theo diện EB-5 phải tạo ra 10 việc làm toàn thời gian cho lao động Mỹ trong ít nhất 2 năm.

Quy trình và hồ sơ xin thẻ xanh theo chương trình EB-5: Các ứng viên xin thẻ xanh EB-5 phải thực hiện theo ba bước dưới đây để được công nhận là thường trú nhân Mỹ.

Nộp đơn I-526 cho Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ trình bày rằng bản thân đã đầu tư theo chương trình EB-5 vào một trong hai hình thức dưới đây: Dự án đầu tư trực tiếp (Direct EB-5), qua đó tạo ra 10 việc làm trực tiếp; Dự án thông qua một Trung tâm Vùng chỉ định (Regional Center) của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, trong đó nhà đầu tư có thể tạo ra 10 việc làm trực tiếp, gián tiếp và/hoặc hệ lụy.

Khi đơn I-526 được chấp thuận, nhà đầu tư sẽ tham gia phỏng vấn và thực hiện một số thủ tục khác trong quy trình như khám sức khỏe, nộp lý lịch tư pháp để nhận thẻ xanh tạm 2 năm.

Cuối cùng, để trở thành thường trú nhân và nhận thẻ xanh vĩnh viễn, nhà đầu tư phải nộp đơn I-829 để xin xóa điều kiện trước khi thẻ xanh 2 năm đến hạn.

(Dẫn theo Từ điển di trú tại http://www.immigration.com.vn/my/wikipedia.html)

(Theo báo Pháp luật)