Xe lướt cũng đua giá cùng hàng mới
Thị trường ô tô Việt Nam từ cuối năm 2021 đến nay đang đón nhận trạng thái “sốt” giá xe kéo dài chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ Toyota có truyền thống “chênh giá”, “bán bia kèm lạc” mà các hãng lớn khác như Hyundai, Ford cũng nhảy vào cuộc. Nhẹ nhàng khách chỉ bị yêu cầu mua gói phụ kiện từ 50 đến 100 triệu đồng, nơi “gắt” thì phải bỏ thêm tiền chênh hàng chục triệu đến trăm triệu đồng so với giá niêm yết mà chẳng có khuyến mại gì.
Nguyên nhân của cơn “sốt” trên được đổ lỗi cho tình trạng thiếu linh kiện lắp ráp toàn cầu, nhưng cũng nhiều người cho rằng đây là cơ hội để các đại lý tranh thủ, bù cho thời gian trước bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Cơn khát những mẫu xe “hot” đã kéo theo thị trường xe lướt cũng tăng giá “theo mưa”. Trước đây, mua xe “lướt” (xe mới đăng ký, chạy số km ngắn) là cách chọn tiết kiệm tiền của những người không đủ tài chính mua xe mới, nhưng vẫn muốn an tâm về chất lượng, nhưng nay sự khác biệt gần như không còn.
Đơn cử mới đây, anh Phan Đức Việt (Tây Hồ, Hà Nội) đã phải bỏ số tiền gần 1,4 tỷ đồng để mua chiếc Hyundai SantaFe bản máy dầu cao cấp 2.2L đăng ký cuối 2021, đã lăn bánh 3.000 km. Mức giá này cao hơn 60 triệu đồng so với giá mua mới đời 2022 là 1,34 tỷ đồng, nhưng chưa hết, vì là xe biển tỉnh nên anh Việt sẽ phải tốn thêm 42 triệu đồng tiền đăng ký đổi biển về Hà Nội.
Lý giải cho quyết định mua xe cũ mà giá cao, anh Việt cho rằng đã suy tính kỹ và chấp nhận bởi xe mới hiện cũng “chênh” tới 100 triệu đồng, lại phải đóng lệ phí trước bạ 12% nên khi ra biển số cũng lên tới trên 1,6 tỷ đồng. Còn muốn không bị ép giá thì phải ký chờ 3 đến 4 tháng cũng chưa chắc có xe.
Một đại lý ô tô cũ trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết mặt hàng xe Hyundai “lướt” như Santa Fe hay Tucson hiện cũng rất “hot”. “Cửa hàng tôi vừa nhập một chiếc Tucson 2.0 máy dầu 2022 mới chạy gần 4.000km, đăng ký biển Tp Hồ Chí Minh, giá 1 tỷ 150 triệu đồng. Xe chưa về đến cửa hàng mà chỉ đăng tin lên Facebook nhưng đã có khách đặt cọc,” anh Phan Cảnh, quản lý cửa hàng cho biết. Như vậy, so với xe mới giá 1,03 tỷ đồng, chiếc Hyundai Tucson lướt có giá đắt hơn 120 triệu đồng.
Thực tế xe Hyundai Tucson mới cũng đang “cháy hàng” và khách phải ký chờ tới 6 tháng hoặc lấy nhanh phải trả thêm cao hơn giá niêm yết từ 35 - 100 triệu đồng.
Không chỉ xe đang sản xuất “cháy hàng” đẩy giá cao mà thị trường xe cũ cũng ghi nhận cả mẫu xe đã công bố dừng sản xuất như Vinfast Fadil đội giá. Như một chủ xe ở TP.HCM vừa rao bán chiếc VinFast Fadil bản nâng cao 1.4 AT Plus 2021 đã lăn bánh đến 19.000km với mức giá khá cao lên đến 398 triệu đồng, chỉ kém chục triệu đồng so với giá xe mới.
Giá tăng nhưng phải có “máu liều” mới có lãi
Tình trạng tăng giá bán trên cả xe mới lẫn xe cũ khiến cho người đi mua xe rất khó để đưa ra quyết định tìm được một chiếc xe đủ cả hai yếu tố: yêu thích và hợp ví. Cơn “sốt” ô tô khiến nhiều người nhìn thấy là cơ hội cho những người kinh doanh. Tuy nhiên, với dân trong nghề lâu năm thì dịp này không khác nào chơi...chứng khoán.
Anh Nguyễn Xuân Đức, một người kinh doanh ô tô cũ ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ rằng thời điểm này không chỉ người mua xe chịu giá cao mà người bán cũng không kém. “Những xe hot như Santa Fe, Tucson giờ cũng khó kiếm nguồn. Chủ xe bán lại cũng hét giá cao, người buôn phải chắc cốp sẵn khách tìm mới dám nhập lại. Xe mua về mà để lâu không bán, qua thời điểm sốt xe thì chỉ có ôm lỗ,” anh Đức nói.
Anh Đức cũng cho biết nguồn xe có giá dễ chịu nhất là nhập từ các tỉnh phía Nam, nhưng phụ thuộc đối tác kiếm xe, mình không tự kiểm định được, thêm chi phí vận chuyển, hoa hồng cao nên lợi nhuận không hơn xe lấy ở miền Bắc, bù lại dễ mua nhanh. Theo anh, người chọn kinh doanh dòng xe “hot” không chỉ cần vốn tốt mà cũng phải có “máu liều” mới mong có lãi.
Cùng chung nhận định với anh Đức về yếu tố cơ hội khi chọn kinh doanh dòng xe đang sốt giá, anh Phan Cảnh dự đoán thị trường sẽ vẫn tốt cho đến tháng 7 ngâu tới đây. Anh Cảnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng tôi bán khoảng chục xe. Riêng với xe hot chạy lướt chỉ cần 4 đến 5 ngày có khách mua sau khi nhập về, xoay vòng thì chỉ cần bán 4 xe là đủ chỉ tiêu.”
Tuy nhiên, anh Cảnh cho rằng rủi ro với người bán khi chạy theo xe “lướt” cũng cao như phải thẩm định giấy tờ, thủ tục giải chấp ngân hàng nếu chủ xe mua bằng tiền vay. “Nhiều trường hợp ham mua xe lướt do tâm lý nôn nóng mà không rành dễ dính xe cắm ngân hàng, giả giấy tờ,” anh Cảnh kể.
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thị trường ô tô đang có biến động giá và khan hiếm xe như hiện tại, người mua cần cân đối lại khả năng của mình để tránh rơi vào bẫy tài chính. Việc cố chạy theo một chiếc xe yêu thích mà phải chịu giá cao, dễ tăng rủi ro thanh khoản khi phải mua bằng tiền vay ngân hàng, mượn người thân.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!