Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiện nay giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn giá thế giới, nên đang có tình trạng "chảy xăng dầu" ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế xã hội.
“Nói như vậy cũng không sai nhưng ở chiều ngược lại thì cũng phải nói thêm, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình chung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Diên nói và đặt câu hỏi là hàng hóa của ta sản xuất bán cho người tiêu dùng cả thế giới, nên nếu giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, thì có phải là thiệt hại?
Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên người đứng đầu ngành Công thương cho rằng nếu “ép giá đầu vào” thì các nước sẽ kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn kiện chúng ta là thao túng tiền tệ. Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp, đó là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng chứ không phải nói một chiều.
Về giải pháp, Bộ trưởng Công Thương cho biết, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá. Trong trường hợp mà giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.
Mục tiêu là để kiểm soát giá đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế. Bộ trưởng lưu ý, “Ta chỉ nghiêng hướng làm sao để ép cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, vô hình chung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và chuộc thêm hậu quả như bị kiện, gây nên tình trạng buôn lậu”.
Vấn đề xăng dầu cũng được nhiều ĐBQH phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình KTXH ngày hôm nay. Từ 15 giờ chiều nay, theo quyết định của liên ngành Công thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít. Sau điều chỉnh từ liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1.6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. |
Trần Thường
Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, sẽ có thêm công cụ khác hỗ trợ dân
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu giá xăng dầu còn diễn biến phức tạp thì chúng ta cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân.