Tôi đã chọn buổi tối để đổ xăng với hy vọng đỡ đông người, nhưng rồi mất gần 1 tiếng đồng hồ mới đổ được xăng.
Có doanh nghiệp kể, họ đã mua hàng chục ô tô, máy xúc để đẩy nhanh tiến độ của dự án vốn đầu tư công mà họ tham gia thi công. Ấy vậy nhưng lô xe mua về rồi treo đó mất gần tháng nay vì không có dầu.
Chuyện thiếu xăng dầu là vô cùng đa dạng. Song, điều rất buồn cười là trong khi dự trữ trong kho còn từ nay đến cuối tháng 11, thì không ít người dân và doanh nghiệp không có mà mua.
Mọi lý do chung quy lại là do giá. Ngay cả Petrolimex, doanh nghiệp đang chiếm miếng bánh to nhất thị trường, cũng phải ca cẩm rằng, chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở hiện nay đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân của họ.
Tức là doanh nghiệp lỗ do giá thấp không đủ chi phí!
Ở diễn đàn Quốc hội, chuyện giá xăng dầu không thể không đề cập.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị chuyển “quả bóng” giá cho Bộ Công thương, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm điều hòa cung cầu về xăng dầu cho nền kinh tế. Ông nói: “Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động".
“Quả bóng” giá đó được chuyền đi bởi Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, người thừa nhận, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ mà đã lỗ thì doanh nghiệp không dám làm và khẳng định “thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Tài chính”.
“Quả bóng” giá được ban đi, chuyền lại này là chuyện hiếm có trên diễn đàn Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính trả lại quyền quyết định giá cho Bộ Công thương có khả thi hay không?
Luật Giá 2012 quy định, Bộ Tài chính “chịu trách nhiệm” trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Nghị định 87 năm 2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính cũng phân công Bộ thực hiện “nhiêm vụ và quyền hạn” về giá. Và còn nhiều văn bản pháp luật khác có quy định tương tự.
Vì thế, ngoài sửa Nghị định 95 được nhắc phía trên, thì Bộ trưởng Tài chính cần tham mưu sửa thêm nhiều luật, nghị định và các văn bản pháp luật khác về quản lý nhà nước về giá. Điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức chứ không thể ngày một, ngày hai. Đó là chưa kể quản lý giá lâu nay là một trong những chức năng quản lý chính của Bộ Tài chính.
Bất luận thế nào, xăng dầu vẫn khan hiếm, rất nhiều nơi dân xếp hàng dài không mua được xăng trong khi dự trữ còn “đến hết tháng 11”, như tư lệnh công thương khẳng định.
Xin lắng nghe nữ đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên, góp ý: “Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế, phí”. Bà cho rằng, cần làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Biến động ở thị trường nhiên liệu trên thế giới là dồn dập, bất thường, khó tiên liệu. Quản lý nhà nước, vì thế, cũng nhanh và thích nghi. Rốt cuộc là làm sao đảm bảo doanh nghiệp không bị lỗ, còn dân và doanh nghiệp thì mua được xăng dầu. Xăng dầu cần thiết như máu trong cơ thể.