Giá xăng dầu trong nước hôm nay 6/10/2023
Giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay ở thị trường trong nước được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 2/10. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh giảm, còn giá dầu giữ nguyên (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 hạ về mức 23.500 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm xuống mức 24.840 đồng/lít.
Giá dầu diesel giữ nguyên ở mức 23.590 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 23.810 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm xuống mức 17.452 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 2/10 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.840 | -900 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.500 | -690 |
Dầu diesel | 23.590 | 0 |
Dầu hỏa | 23.810 | 0 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 6/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 6/10 có chiều hướng đi xuống theo đà giảm mạnh từ 2 phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h46' ngày 6/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 84,4 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 82,69 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc, giảm tới hơn 5 USD/thùng.
Hôm 5/10, giá xăng dầu thế giới hồi phục vào đầu phiên nhưng sau đó lại đảo chiều đi xuống.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h16' ngày 5/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,06 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,29% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 84,39 USD/thùng, tăng 0,17 USD, tương đương 0,2% so với phiên liền trước.
Đến 20h54' ngày 5/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 84,87 USD/thùng, giảm 0,94 USD, tương đương 1,1% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,26 USD/thùng, giảm 0,96 USD, tương đương 1,14% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu lao dốc bởi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm và bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm hơn.
Giá dầu giảm mạnh sau thông tin dự trữ xăng của Mỹ bất ngờ tăng 6,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29/9, vượt xa dự đoán tăng 200.000 thùng của nhiều nhà phân tích theo khảo sát từ hãng tin Reuters. Mức tiêu thụ xăng của Mỹ theo mùa đang ở mức thấp nhất trong 22 năm.
Theo các nhà phân tích, giá nhiên liệu tăng 30% trong quý III năm nay đã làm giảm nhu cầu.
Bên cạnh đó, áp lực lãi suất ở mức cao là nguyên nhân khiến các lo ngại chi phí trong sản xuất và tiêu dùng tăng lên, làm chậm lại nhu cầu hàng hóa.
Cùng với đó, bức tranh kinh tế vĩ mô có phần kém khả quan cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Dữ liệu từ Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại trong tháng 9, khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng.
Trước những lo ngại nhu cầu giảm, các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến hết năm nay.
Theo đó, Saudi Arabia cho biết sẽ duy trì mức giảm 1 triệu thùng/ngày trong 2 tháng cuối năm 2023. Nga cũng thông báo sẽ tiếp tục giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho tới cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc cắt giảm của Saudi Arabia và Nga hiện tại có thể sẽ không còn hiệu quả khi nhu cầu thế giới đang suy giảm.