Giá xăng dầu trong nước hôm nay
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng 1.300 đồng/lít, lên mức 22.790 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II tăng 1.220 đồng/lít, giá bán là 21.630 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, giá ở mức 19.500 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 860 đồng/lít, lên mức 19.180 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/7 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.790 | + 1.300 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.630 | + 1.220 |
Dầu diesel | 19.500 | + 890 |
Dầu hỏa | 19.180 | + 860 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (29/7) tiếp đà tăng từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h23' ngày 29/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 84,99 USD/thùng, tăng 0,75 USD, tương đương 0,89% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,58 USD/thùng, tăng 0,49 USD, tương đương 0,61% so với phiên liền trước.
Hôm 28/7, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất 3 tháng. Giá dầu Brent đã vượt mức 84 USD/thùng, còn giá dầu WTI vượt mức 80 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h17' ngày 28/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 83,8 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 79,72 USD/thùng.
Đến 20h ngày 28/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 84,27 USD/thùng, tăng 0,03 USD, tương đương 0,04% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,18 USD/thùng, tăng 0,09 USD, tương đương 0,11% so với phiên liền trước.
Như vậy, giá dầu Brent và giá dầu WTI đã lên gần mức cao nhất kể từ ngày 19/4.
Giới phân tích nhận định, giá dầu tăng lên do tâm lý lạc quan của các nhà giao dịch nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở Mỹ, kỳ vọng Trung Quốc sớm ban hành các biện pháp kích thích kinh tế và động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Ngày 27/7, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2023 tăng 2,4%, cao hơn mức dự báo 1,8% mà các chuyên gia đưa ra trước đó. GDP của Mỹ tăng nhờ khả năng phục hồi của thị trường lao động, hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.
Số liệu GDP quý II/2023 của Mỹ cùng báo cáo doanh thu khả quan của hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới đã “xoa dịu” lo ngại về suy thoái toàn cầu, thúc đẩy tâm lý lạc quan của các nhà đầu, giúp triển vọng nhu cầu dầu trở nên tươi sáng hơn.
Cùng với đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng Trung Quốc sớm ban hành các biện pháp kích thích kinh tế. Động thái này giúp gia tăng hi vọng về khả năng nhu cầu dầu mỏ sẽ phục hồi tại nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ khiến nguồn cung thắt chặt, giúp giá dầu tăng lên. Đặc biệt, lo ngại Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 càng làm gia tăng nỗi lo thâm hụt nguồn cung và thúc đẩy giá dầu.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng khiến cho chi phí mua dầu thô trở nên rẻ hơn và góp phần hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu vừa tuyên bố tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dai dẳng đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nhu cầu dầu trong dài hạn.