Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/1/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 22/1 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 18/1.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 tăng vượt mốc 22.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên 21.410 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng lên 22.480 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng lên mức 20.190 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng lên 20.530 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 18/1 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.480 | + 550 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.410 | + 370 |
Dầu diesel | 20.190 | + 490 |
Dầu hỏa | 20.530 | + 200 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/1/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/1 giảm nhẹ. Giá dầu đi xuống theo đà giảm của phiên giao dịch cuối tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h21' ngày 22/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,14 USD/thùng, giảm 0,42 USD, tương đương 0,53% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,21 USD/thùng, giảm 0,2 USD, tương đương 0,27% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá xăng dầu thế giới đã lấy lại đà tăng sau cú giảm nhẹ ở tuần trước đó.
Giá dầu trong tuần qua tăng dù có nhiều yếu tố bất lợi. Giá dầu tăng giữa bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng dầu đã bù đắp những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu trải qua 2 phiên giảm, 2 phiên trái chiều và 1 phiên tăng mạnh.
Giá dầu bắt đầu tuần qua với mức giảm nhẹ. Trong đó, giá dầu Brent giảm khoảng 0,2%, còn giá dầu WTI giảm 0,3%. Giá dầu đi xuống do nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch cuối tuần trước đó.
Đến phiên giao dịch thứ 2, giá dầu trái chiều khi giá dầu Brent tăng nhẹ trong khi giá dầu WTI giảm nhẹ.
Giá dầu trong phiên này được hỗ trợ bởi lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể tác động mạnh đến nguồn cung. Tuy nhiên, giá dầu cũng chịu áp lực bởi giá USD tăng. Trong phiên giao dịch này, giá USD đã chạm mức cao nhất trong vòng một tháng khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.
Ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần, thế trái chiều tiếp tục được duy trì nhưng vị thế đã bị đảo ngược với giá dầu Brent giảm nhẹ, còn giá dầu WTI tăng nhẹ.
Giá dầu trong phiên này chịu tác động bởi đợt lạnh khắc nghiệt tại North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba nước Mỹ, làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của xứ sở cờ hoa. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc thấp hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng yếu đi cũng khiến giá dầu biến động.
Tới phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu Brent và WTI đã phá vỡ thế trái chiều. Giá dầu bật tăng gần 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, sản lượng dầu thô của Mỹ bị gián đoạn do thời tiết mùa đông lạnh giá trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh cũng khiến giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không thể duy trì trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Ở phiên này, giá dầu giảm gần 1%. Dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu hơn đã đẩy giá dầu đi xuống.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng khoảng 0,5%, giá dầu WTI tăng hơn 1%. Giá dầu Brent chốt tuần qua ở mức 78,56 USD/thùng trong khi giá dầu WTI kết tuần ở mức 73,41 USD/thùng.