Cụ thể, từ 15h hôm nay, giá xăng E5 tăng 200 đồng/lít, giá bán ra là 21.490 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 340 đồng/lít, giá bán là 22.340 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 600 đồng/lít, giá bán là 24.780 đồng/lít.
Mức tăng cao nhất là dầu hoả, lên 23.660 đồng/lít (tăng 840 đồng).
Trong khi đó dầu mazut được cơ quan quả lý điều chỉnh giảm 200 đồng, về còn 13.890 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/10/2022-21/10/2022) tiếp tục chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lo ngại nguồn cung giảm do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ (cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho tháng 11/2022 và 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo); nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc bắt đầu tăng; khai thác dầu của Hoa Kỳ tăng và Hoa Kỳ công bố việc tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược... giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa. Trong khi giá xăng RON92 và dầu mazut giảm nhẹ.
Ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, tại kỳ điều hành này, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn chịu tác động của tỷ giá USD/VNĐ tại Ngân hàng Vietcombank liên tục tăng (sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của USD/VNĐ), giá mặt hàng xăng E5RON92 nếu không có tác động của yếu tố tỷ giá sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên do tỷ giá tăng nên giá cơ sở của xăng E5RON92 đã tăng
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 200 đồng/lít, xăng RON95 là 400 đồng/lít.
Khi khảo sát Tổng kho Nhà Bè và làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực II, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Để việc quản lý và điều hành hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông xăng dầu được thông suốt thì cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành và các chính quyền địa phương, trong đó việc quản lý hệ thống trên 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
"Vừa rồi, qua thống kê có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1% và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước?", Bộ trưởng Công Thương phát biểu.
Ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Trong mọi tình huống không để xảy ra đứt gãy nguồn cung, đứt gãy hệ thống phân phối hay thiếu hụt dự trữ chiến lược quốc gia. Chúng ta cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu, cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại, từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, thậm chí là đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ.