Giá xăng dầu trong nước hôm nay 20/11/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 20/11 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 13/11. Giá xăng dầu theo đó đều được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống 22.270 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ về mức 23.530 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống 20.880 đồng/lít còn giá dầu hoả hạ xuống mức 21.510 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 13/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.530 | -390 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.270 | -340 |
Dầu diesel | 20.880 | -1.060 |
Dầu hỏa | 21.510 | -790 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 20/11/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 20/11 có xu hướng đi lên theo đà tăng của phiên giao dịch cuối tuần qua.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h31' ngày 20/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 80,93 USD/thùng, tăng 0,32 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,18 USD/thùng, tăng 0,29 USD, tương đương 0,38% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu quốc tế tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Dự trữ dầu của Mỹ tăng cao, lo ngại nhu cầu dầu suy yếu, các nhà đầu tư bán chốt lời và Mỹ trừng phạt một số chủ hàng dầu của Nga là những yếu tố chính tác động đến giá dầu trong tuần qua.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 2 phiên và giảm 3 phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng hơn 1% sau khi báo cáo hàng tuần của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ, đồng thời OPEC nhận định giá dầu giảm thời gian qua là do lỗi của các nhà đầu cơ. Bên cạnh đó, giá dầu đi lên khi Iraq lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm dầu của OPEC+ trước thềm cuộc họp của nhóm này được dự kiến tổ chức vào ngày 26/11 tới đây.
Tới phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu thế giới giảm nhẹ do dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chững lại. Cùng với đó, căng thẳng ở Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt cũng khiến giá dầu đi xuống.
Đà giảm của giá dầu kéo sang phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Ở phiên này, giá dầu giảm hơn 1,5%. Tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cao, gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích, cộng với lo ngại về nhu cầu suy yếu ở châu Á đã kéo giá dầu giảm.
Sự lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu giảm sau số liệu kinh tế kém sắc từ Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đẩy giá dầu “trượt dốc không phanh” trong phiên giao dịch thứ tư của tuần. Tại phiên này, giá dầu giảm gần 5%, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.
Tuy nhiên, ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã leo dốc ngoạn mục khi tăng hơn 4%. Giá dầu quay đầu tăng do các nhà đầu tư chốt lời. Đồng thời, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga vì bán trên mức giá trần của G7, gây lo ngại nguồn cung thắt chặt, khiến giá dầu đi lên.
Nhưng sự bứt tốc của giá dầu ở phiên giao dịch cuối tuần không đủ để giúp giá dầu lấy lại hết những mất mát ở 3 phiên trước đó. Giá dầu tuần qua tiếp tục ghi nhận tuần đi xuống, kéo đà giảm sang tuần thứ tư liên tiếp.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được niêm yết ở mức 80,61 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 75,89 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và giá dầu WTI đều giảm hơn 1%. Song mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm 5% của tuần trước đó.