Giá xăng dầu trong nước hôm nay 16/1/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 16/1 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/1.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng RON 95 lên sát mốc 22.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 21.040 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng lên 21.930 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng lên 19.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả tăng lên 20.330 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/1 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.930 | + 20 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.040 | + 40 |
Dầu diesel | 19.700 | + 340 |
Dầu hỏa | 20.330 | + 380 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 16/1/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 16/1 đi xuống theo đà giảm từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h57' ngày 16/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,92 USD/thùng, giảm 0,23 USD, tương đương 0,29% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,2 USD/thùng, giảm 0,48 USD, tương đương 0,66% so với phiên liền trước.
Ngày 15/1, giá xăng dầu thế giới tăng nhẹ đầu phiên rồi sau đó đảo chiều giảm.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h22' ngày 15/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,16 USD/thùng, giảm 1,13 USD, tương đương 1,44% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,52 USD/thùng, giảm 1,16 USD, tương đương 1,6% so với phiên liền trước.
Giá dầu hạ nhiệt ngay phiên giao dịch đầu tuần do nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch cuối tuần qua.
Cùng với đó, dữ liệu lạm phát tiêu dùng trong tháng 12/2023 của Mỹ tăng cộng với việc tồn kho dầu, xăng và cả sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng bất ngờ đã góp phần đẩy giá dầu đi xuống.
Tồn kho xăng của Mỹ hiện đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Đáng chú ý, trong hai tuần gần đây, tồn kho xăng của Mỹ tăng hơn 20 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ yếu.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ đang có một số dấu hiệu hạ nhiệt tạm thời song rủi ro tại Biển Đỏ chưa có nhiều ảnh hưởng tới việc sản xuất dầu.
Một số hãng tàu lớn đã chính thức chuyển hướng các tàu chở dầu tránh xa Biển Đỏ. Việc này đẩy giá cước vận chuyển đối với các mặt hàng hóa lên cao do tuyến đường dài hơn.
Vào tuần trước, giá dầu quay đầu giảm. Giá dầu Brent giảm 0,5% còn dầu WTI giảm 1,1%.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến giá dầu trong tuần qua là căng thẳng leo thang tại Trung Đông khi Mỹ và Anh thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào Yemen nhằm trả đũa các cuộc tấn công trước đó vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi.
Trong tuần này, bên cạnh diễn biến ở Trung Đông thì các dữ liệu kinh tế như doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, tăng trưởng việc làm ở Mỹ cùng những phát biểu từ các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tác động mạnh lên giá dầu.
Reuters cho hay, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Citibank (Mỹ) vừa hạ dự báo giá dầu Brent trong năm nay và năm tới do lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.
Theo đó, Citibank hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 xuống còn 74 USD/thùng và dự báo giá dầu Brent năm 2025 chỉ còn 60 USD/thùng. Song ngân hàng này cũng lưu ý những diễn biến mới đây tại khu vực Biển Đỏ có thể khiến căng thẳng khu vực Trung Đông leo thang, khiến giá dầu Brent có khả năng tăng lên trong thời gian ngắn.