Giá xăng dầu trong nước hôm nay 14/2/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 14/2 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 8/2.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 giảm mạnh, về mốc 23.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 hạ xuống 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm về 23.260 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ còn 20.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả giảm xuống 20.580 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 8/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.260 | - 900 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.120 | - 790 |
Dầu diesel | 20.700 | - 290 |
Dầu hỏa | 20.580 | - 340 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 14/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 14/2 quay đầu đi xuống sau khi tăng vào phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h50' ngày 14/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,41 USD/thùng, giảm 0,36 USD, tương đương 0,43% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,62 USD/thùng, giảm 0,25 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước.
Ngày 13/2, giá xăng dầu quốc tế đã lấy lại đà tăng sau khi diễn biến trái chiều ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 17h56' ngày 13/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,86 USD/thùng, tăng 0,86 USD, tương đương 1,05% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,7 USD/thùng, tăng 0,78 USD, tương đương 1,01% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi lên do tâm lý lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung.
Ngày 12/2, lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng hai tên lửa vào một tàu chở hàng tới Iran qua khu vực Biển Đỏ. Kể từ giữa tháng 11/2023 đến nay, lực lượng Houthi đã tấn công các tàu quốc tế có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel đi qua Biển Đỏ.
Thêm vào đó, việc Mỹ tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt Iran cũng có khả năng làm eo hẹp nguồn cung dầu trên thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ trên thị trường được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Còn Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong hai thập kỷ tới.
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 6% vào tuần trước, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, việc không chắc chắn về lộ trình hạ lãi suất của Mỹ đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Nếu tình hình lạm phát khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn quyết định hạ lãi suất có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.