Giá xăng dầu trong nước hôm nay 14/10/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/10 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Giá xăng dầu theo đó được điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống mức 21.900 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON95 giảm còn 23.040 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel hạ xuống 22.410 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 22.460 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/10 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.040 | -1.800 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.900 | -1.600 |
Dầu diesel | 22.410 | -1.180 |
Dầu hỏa | 22.460 | -1.350 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 14/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 14/10 tiếp đà tăng từ 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h25' ngày 14/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,89 USD/thùng, tăng 4,89 USD, tương đương 5,69% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 87,69 USD/thùng, tăng 4,78 USD, tương đương 5,77% so với phiên liền trước.
Hôm 13/10, giá dầu thế giới tăng khá mạnh. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h13' ngày 13/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,39 USD/thùng, tăng 0,39 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,49 USD/thùng, tăng 0,58 USD, tương đương 0,7% so với phiên liền trước.
Đến 20h25' ngày 13/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 89,34 USD/thùng, tăng 3,34 USD, tương đương 3,88% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 86,27 USD/thùng, tăng 3,36 USD, tương đương 4,05% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên do lo ngại nguồn cung trở nên eo hẹp.
Giá dầu tăng mạnh sau khi Mỹ thắt chặt chương trình trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung và dự trữ toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong quý IV.
Ngày 12/10, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga vận chuyển số lượng dầu được bán với giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng.
Hiện Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia. Nga cũng là một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Việc Mỹ siết chặt chính sách với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể làm giảm nguồn cung.
Các vấn đề về nguồn cung vẫn là trọng tâm của thị trường dầu mỏ. Tâm lý của các nhà đầu tư cũng chịu tác động sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến trong quý này dự trữ dầu thô sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày.
Nhiều người lo ngại việc cắt giảm nguồn cung của nhóm OPEC+ có thể tiếp tục được duy trì sang năm 2024 và xa hơn nữa. Một số chuyên gia cho rằng Nga và Saudi Arabia ít có khả năng điều chỉnh các biện pháp cắt giảm sản lượng bởi giá dầu đang chịu sức ép nhu cầu yếu.
Trong báo cáo hàng tháng mới được công bố, OPEC giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024. OPEC cũng nhận định rằng sang năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa mức tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/10 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 xuống 880.000 thùng/ngày, thấp hơn con số 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tháng trước đó.
Sự trái ngược trong dự báo của OPEC và EIA đã khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và thị trường chưa xác nhận được xu hướng rõ ràng trong giai đoạn hiện nay.