Giá xăng dầu trong nước hôm nay 13/2/2024

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 13/2 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 8/2.

Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm. Trong đó, giá xăng RON 95 giảm mạnh, về mốc 23.000 đồng/lít.

Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm còn 23.260 đồng/lít.

Giá dầu diesel hạ về 20.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả giảm xuống mức 20.580 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 8/2 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 23.260 - 900
Xăng E5 RON 92-II 22.120 - 790
Dầu diesel 20.700 - 290
Dầu hỏa 20.580 - 340

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 13/2/2024 

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 13/2 tiếp tục suy giảm theo đà đi xuống từ phiên trước.

Ngày 12/2, giá xăng dầu quốc tế đảo chiều giảm sau khi tăng cao vào tuần trước. 

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 19h23' ngày 12/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,24 USD/thùng, giảm 0,95 USD, tương đương 1,16% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 75,95 USD/thùng, giảm 0,89 USD, tương đương 1,16% so với phiên liền trước.

gia-xang-dau-1-2.jpg
Giá xăng dầu tiếp tục suy giảm (Ảnh: Telegraph India)

Giới phân tích nhận định giá dầu hạ nhiệt do lo ngại về nguồn cung dịu bớt.

Giá dầu đi xuống sau khi Israel cho hay đã kết thúc các hành động quân sự ở miền Nam Gaza. Việc này làm xoa dịu phần nào lo ngại về nguồn cung từ Trung Đông. 

Cùng với đó, thông tin về sản lượng dầu của Mỹ cũng góp phần xoa dịu lo ngại về nguồn cung.

Các công ty năng lượng Mỹ mới đây đã tăng số lượng giản khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2023. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Trong khi đó, thị trường vẫn còn e ngại về nhu cầu dầu. Hoạt động giao dịch dầu ở châu Á được dự đoán sẽ diễn ra thưa thớt, vì phần lớn các nước trong khu vực này đang nghỉ Tết Nguyên đán.

Một quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây cho biết không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vì cơ quan này vẫn cần kiềm chế lạm phát. Lãi suất tăng thường làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, làm hạn chế nhu cầu dầu.

Tuần trước, giá dầu thế giới tăng hơn 6%, sau khi giảm hơn 7% ở tuần trước đó, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Giá dầu tăng liên tục trong 5 phiên nhờ sự bất ổn địa chính trị ở Trung Đông gây lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ bị hạn chế.