Giá xăng dầu trong nước hôm nay 12/10/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/10 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.600 đồng/lít, giá xuống 21.900 đồng/lít. Xăng RON95 giảm 1.800 đồng/lít, giá bán là 23.040 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel giảm 1.180 đồng/lít, giá bán lẻ là 22.410 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.350 đồng/lít, giá là 22.460 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/10 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.040 | -1.800 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.900 | -1.600 |
Dầu diesel | 22.410 | -1.180 |
Dầu hỏa | 22.460 | -1.350 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 12/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 12/10 có xu hướng đi xuống theo đà giảm từ 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h23' ngày 12/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 85,31 USD/thùng, giảm 0,51 USD, tương đương 0,59% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,91 USD/thùng, giảm 0,58 USD, tương đương 0,69% so với phiên liền trước.
Hôm 11/10, giá dầu thế giới hồi phục nhẹ vào đầu phiên nhưng sau đó lại đi xuống.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h05' ngày 11/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,82 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 86,07 USD/thùng.
Đến 19h37' ngày 11/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 86,92 USD/thùng, giảm 0,73 USD, tương đương 0,83% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,17 USD/thùng, giảm 0,8 USD, tương đương 0,93% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, thị trường dầu có xu hướng ổn định trở lại khi có một số nguồn tin cho biết các vấn đề giữa Hamas-Israel sẽ không leo thang thành xung đột trên toàn khu vực Trung Đông, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, giá dầu hạ nhiệt còn do mối lo ngại về nguồn cung đã phần nào được xoa dịu.
Trong tháng 9, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã tăng thêm 330.000 thùng/ngày lên 40,85 triệu thùng/ngày, đạt mức tăng hàng tháng lần thứ 2 liên tiếp. Sản lượng dầu thô trong tháng 9 của OPEC+ tăng do sản lượng ở Nigeria, Iran và Kazakhstan tăng, đã bù đắp phần nào mức cắt giảm của Saudi Arabia và Nga.
Một dấu hiệu tích cực nữa về nguồn cung là việc Venezuela và Mỹ đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán có thể đưa ra biện pháp giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Caracas (thủ đô của Venezuela) bằng cách cho phép thêm ít nhất một công ty dầu mỏ nước ngoài tiếp nhận dầu thô của Venezuela với một số điều kiện.