Cả nể, không tỉnh táo
Mới đây, kiến trúc sư Nguyễn Viết Khim đăng tải câu chuyện anh gặp phải lên trang Facebook cá nhân khiến nhiều người chú ý.
Trước dịp nghỉ lễ 30/4, một người tự xưng là Hùng (Hà Nội) tìm gặp anh Khim. Người này nói đang có nhu cầu làm dự án resort nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu và Phú Quốc. Anh Khim mời người này qua văn phòng công ty trao đổi công việc. Sau đó, 2 người đi ăn tối cùng nhau.
Ngày 2/5, Hùng cùng một người khác xưng là cổ đông liên hệ hẹn gặp anh Khim để trao đổi rõ hơn thông tin về dự án.
10h sáng hôm sau, anh Khim tới điểm hẹn là một căn hộ chung cư ở phường Long Bình (quận 9, TP.HCM).
Khi anh Khim đi vào căn hộ đã thấy 5 người chờ sẵn. Một người đàn ông lớn tuổi tự nhận là Việt kiều, hiện công tác ở Việt Nam, một người xưng là bộ đội về hưu, một phụ nữ từ Hà Nội vào để mua biệt thự và một đôi nam nữ là chủ căn hộ.
Sau một hồi nói chuyện, những người này nói anh Khim chờ thêm một người nữa tới để bàn công việc.
Trong lúc đợi, cả nhóm mời anh Khim ăn cơm, uống bia nhưng anh từ chối. Nhóm người này đề nghị anh Khim đánh bài tiến lên ăn tiền. Dù bị nhóm người ép nhiều lần, anh Khim vẫn từ chối.
Không dụ được anh Khim chơi bài, nhóm người này đuổi anh Khim về. Khi về nhà, anh đăng bài kể lại câu chuyện lên Facebook cá nhân để cảnh báo mọi người tránh sập bẫy lừa đánh bài chiếm đoạt tài sản.
Không may mắn như anh Khim, anh Hoàng Giang (SN 1984, TP.HCM), chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản có tiếng tại TP.HCM đã bị mất gần 150 triệu đồng với kịch bản tương tự.
Ngày 28/3, trong vai một người đang cần nhập hàng sang Nga, nhóm người này hẹn anh Giang tới một căn hộ chung cư tại phường 22, quận Bình Thạnh để “bàn chuyện làm ăn”.
Tại đây, nhóm bày sẵn đồ ăn rồi mời anh Giang uống bia. Nhóm đưa danh thiếp của anh Giang ra, khiến anh nghĩ những người này được người thân quen của mình giới thiệu.
Một người tự giới thiệu là Việt kiều ở Nga về, có vợ là "con của thị trưởng Moscow". Ông còn khoe hình ảnh vợ và gia đình cho anh Giang xem. Một người phụ nữ ngoài 50 tuổi tự xưng là vợ của VIP.
Nhóm người này hỏi chuyện thân mật khiến anh Giang mất cảnh giác. Trong thời gian chờ đợi 1 người nữa tới bàn chuyện, họ gợi ý anh Giang cùng chơi bài.
Anh Giang nhiều lần từ chối vì không biết chơi, nhưng họ tìm mọi cách ép. “Họ nói tôi không chơi vui vẻ cùng họ thì sao có thể làm ăn được cùng nhau. Rồi khi tôi lấy lí do không mang theo tiền, một người phụ nữ đưa luôn 2 tập tiền trị giá 100 triệu đồng cho tôi mượn. Vì cả nể, tôi đã gọi điện về bảo kế toán chuyển 100 triệu vào số tài khoản có số đuôi 5555 mang tên Nguyễn Ngọc Anh do nhóm người kia cung cấp”.
Nhóm người này liên tục thay đổi luật chơi và cuốn anh Giang theo. Sau 10 ván, anh thua hết 100 triệu đồng. Nhóm này tiếp tục chèo kéo chơi thêm 5 ván, khiến anh mất thêm 46 triệu đồng.
Tổng cộng, anh Giang thua 146 triệu đồng. Thấy vậy, anh lấy cớ có hẹn rồi bỏ về. Cho tới khi ra khỏi nhà xe, anh Giang mới giật mình nhận ra bản thân là nạn nhân của trò lừa đảo cờ bạc bịp nên chỉ dám im lặng, không có bằng chứng nên không trình báo cơ quan chức năng.
Khi thấy anh Khim lên tiếng trên mạng xã hội, anh Giang cũng mạnh dạn làm đơn tố giác tội phạm, nộp bản tường trình tới công an phường 22, quận Bình Thạnh. "Thấy có rất nhiều người giống tôi, là nạn nhân của nhóm người lừa đảo có tổ chức. Chúng rất tinh vi mạo danh chồng, vợ, con em các cán bộ lãnh đạo nên tôi quyết định trình báo sự việc này tới cơ quan công an", anh Giang cho biết.
Cuối năm 2022, anh Phùng Thanh (SN 1993, TP.HCM), chủ một công ty xây dựng cũng gặp tình huống tương tự.
Trong vai một quan chức cấp cao có nhu cầu xây biệt thự, nhóm người này hẹn anh Thanh tới căn hộ tại Vinhome Grand Park (quận 9, TP.HCM).
Với kịch bản như những vụ kể trên, anh Thanh được nhóm người này đón tiếp niềm nở khiến anh mất cảnh giác.
Nhóm người này đưa ra bộ hồ sơ thiết kế đầy đủ, bàn bạc với anh Thanh rất bài bản và chuyên nghiệp như họ chuẩn bị xây biệt thự. Trong khi chờ dọn đồ ăn, họ dụ dỗ anh Thanh chơi bài ăn tiền.
“Cả đêm ở công trình, vừa chợp mắt được một chút thì đi gặp họ, đầu óc tôi không được tỉnh táo khi để họ dẫn dụ chơi bài ăn tiền. Bình thường vốn cẩn thận, đa nghi, vậy mà tôi cũng bị mất 50 triệu đồng với đội lừa đảo ấy”, anh Thanh nói.
“Người trong vai VIP chuẩn bị sẵn 4 cọc tiền 500.000 đồng, đưa luôn cho 4 người chơi. Rồi đề nghị chúng tôi chuyển khoản trả ông ta 50 triệu đồng”, anh Thanh nhớ lại.
Chỉ trong vòng 15 phút, anh Thanh thua hơn 100 triệu đồng. Ngoài 50 triệu tiền đã chuyển khoản, nhóm người kia cho anh Thanh nợ thêm 50 triệu. Lấy cớ phải đi về có việc vì có người đến tìm đang chờ dưới chung cư, anh Thanh được nhóm người kia cho về.
Một người khác là anh H.G (SN 1993, TP.HCM) cũng bị “lột” sạch tiền trong tài khoản. Đây là số tiền anh tích cóp được trong nhiều năm.
Ngày 26/4, một người tiếp cận và hẹn anh G. tới chung cư tại quận Gò Vấp để bàn việc. Khi tới nơi, anh G. được một nhóm người mời ăn uống. Nhóm người này liên tục mở bia cho anh. "Khi uống thấy bia có vị đắng, tôi có hỏi 'sao bia đắng thế' thì họ nói chắc tại bia để ngoài nắng", anh G. nhớ lại.
Sau đó, nhóm này rủ anh G. chơi bài ăn tiền. “Tôi vẫn tỉnh nhưng không kiểm soát được bản thân. Chơi bài cùng nhóm người đó, tôi thua liên tục. Cứ như vậy, tôi chuyển khoản cho chúng 700 triệu, hết sạch số tiền trong tài khoản. Chúng còn cho tôi vay thêm tiền, bảo trả trong 1 tuần. Nhưng cuối cùng tôi thua hết”, anh G. hoang mang nhớ lại.
Khi không còn tiền, anh G. được nhóm người thả ra về. Sáng hôm sau tỉnh lại, hoảng sợ vì bị mất sạch tài sản, anh G. trình báo công an. Khi lấy mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu, kết quả anh G. dương tính với chất hướng thần, ma túy đá mặc dù anh không bao giờ dùng chất cấm.
Ở Hà Nội, anh P.V.T cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự dịp cuối tháng 12/2020.
Trong vai muốn đầu tư xây dựng, nhóm này hẹn anh T. tới uống nước tại quán cà phê ở chung cư 97 Láng Hạ (quận Đống Đa). Vẫn kịch bản tương tự, anh T. cũng bị mời lên một căn hộ chung cư. Trong đó có sẵn 5-6 người được giới thiệu là chủ nhà, 1 Việt kiều về nước muốn đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, và một số người khác.
Trong lúc chờ một “đối tác” khác tới bàn chuyện làm ăn, nhóm này liên tục rủ anh T. chơi bài ăn tiền. Khi biết anh T. chỉ mang theo vài triệu đồng, nhóm sẵn sàng ứng tiền cho anh.
Số tiền anh T. thua, nợ nhóm người này lên tới 500 triệu đồng. Khi nhận ra mình đang bị lừa, anh T. nhanh chóng gọi một người em tới “giải cứu”. Nhóm người trong căn hộ thấy động nên đành để anh T. ra về.
Kịch bản nhắm vào ông chủ có tiền, đang “khát” khách hàng
Qua trao đổi với phóng viên VietNamNet, 9 nạn nhân kể lại câu chuyện thua bài mất tiền cho nhóm người lạ mặt. Chung một kịch bản lừa, trong nhóm có người tự giới thiệu là quan chức, Việt kiều Nga, cán bộ cấp cao, sĩ quan quân đội... có nhu cầu đầu tư kinh doanh.
Họ tìm các chủ doanh nghiệp, nhà hàng, kiến trúc sư, môi giới BĐS, nội thất…, những người đang có nhu cầu tìm kiếm khách hàng.
Trong vai khách VIP, nhóm người này sẽ tìm cách hẹn chủ doanh nghiệp lên căn hộ riêng, có sẵn một nhóm người chờ trong đó. Mỗi người sẽ đóng vai trò khác nhau từ chủ nhà, trợ lý, thư ký, đại gia… chờ sẵn. Nhóm người này sẽ nhiệt tình nói chuyện, rồi nhân tiện mời khách ăn cơm, uống nước uống bia... Trong tâm thế đi gặp đối tác bàn chuyện làm ăn, nạn nhân thường chủ quan, mất cảnh giác.
Nếu nạn nhân hiền lành, dễ dụ, chúng sẽ gạ đánh bài ăn tiền. Nạn nhân tỉnh táo không chơi sẽ bị nhóm người xăm trổ, “cậy đông ức hiếp” khiến nạn nhân sợ hãi, phải chấp nhận ngồi chơi.
Nếu nạn nhân không mang theo tiền, nhóm sẵn sàng cho vay và đề nghị nạn nhân gọi điện về nhờ người chuyển khoản.
Người mất ít chỉ vài triệu đồng, người mất nhiều lên tới vài trăm triệu. Thế nhưng với tâm lý nghĩ mình đánh bài ăn tiền là sai, và không có bằng chứng chắc chắn về nhóm người lừa đảo, không ai dám đứng ra tố giác.
Bị đe dọa
Bài đăng của anh Khim thu hút được nhiều người quan tâm. Nhiều người cùng kể lại các tình huống tương tự gặp phải ở các thời điểm và địa phương khác nhau. Rất nhanh chóng, nhóm người lạ mặt liên tục nhắn tin, gọi điện thoại… chửi bới, đe dọa tính mạng anh Khim và gia đình bất kể ngày đêm.
“Chúng yêu cầu tôi gỡ bài, nếu không, chúng sẽ không để yên cho tôi, gia đình và cả chỗ làm ăn của tôi. Tôi đăng bài với mục đích cảnh báo tới bạn bè, đồng nghiệp tránh bị nhóm này gài bẫy. Vì thế, tôi kiên quyết không gỡ và đã lên trình báo công an”, anh Khim nói.
Theo nguồn tin của báo VietNamNet, công an phường Long Bình (quận 9, TP. HCM) đã nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Viết Khim. Nhiều nạn nhân khác cũng nộp đơn tố giác tội phạm lên công an.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Ảnh: Nhân vật cung cấp