Mức giá vé trung bình lên tới 8 USD/người hiện nay đã ngang ngửa với mức giá xem phim tại Mỹ, bất chấp thu nhập bình quân đầu người tại 2 quốc gia chênh lệch tới 32 lần.
Tuần trước, 8 nhà phát hành phim trong nước đã đồng loạt ký vào đơn khiếu nại gửi lên Hiệp hội Điện Ảnh, trong đó tố cáo CGV chèn ép họ thông qua sự bất hợp lý trong tỷ lệ ăn chia phòng vé và hình thức chiếu phim rạp.
Dù là người đứng đơn hay bị đơn, tất cả các doanh nghiệp phát hành phim tại Việt Nam vẫn là kẻ được lợi trong cuộc chiến giành thị phần. Trong khi đó, khán giả vẫn phải bỏ nhiều tiền hơn để mua vé, hoặc không có cả cơ hội xem phim bom tấn.
Kêu ca là thế nhưng kỳ thực, phía sau thị trường giá trị tới 100 triệu USD ở Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp đều phát triển rất mạnh mẽ. Nếu như con số rạp phim giữa năm 2015 của CGV mới chỉ là hơn 170 rạp, thì đến quý I/2016 đã là 210 rạp, còn Galaxy và Lotte cũng mở rộng địa bàn tới các trung tâm thương mại, cao ốc tại nhiều thành phố lớn.
Trong khi đó, số tiền mà khách hàng Việt Nam bỏ ra để mua vé xem phim ngày càng đắt đỏ, hiện giá vé xem phim của người Việt đã tương đương với người Mỹ dù thu nhập (GDP đầu người) của người Việt thấp hơn tới 32 lần. Thậm chí, một bộ phận khán giả không thể tiếp cận được các tác phẩm điện ảnh lớn của thế giới, do "hậu quả" từ cuộc chiến giữa các nhà phát hành.
Chiếm tới 40% thị phần tại Việt Nam, CGV được cho là ép các doanh nghiệp khác phải chịu một mức ăn chia doanh thu 55%-45%, đồng thời tăng giờ vàng chiếu phim do đơn vị này phát hành. |
Thực tế, tất cả các doanh nghiệp phát hành và sở hữu cụm rạp đều đang có lãi khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Yêu cầu doanh thu cao, chi phí cao của CGV cũng xuất phát từ việc hãng cho rằng mình phải bỏ nhiều tiền hơn để đầu tư cụm rạp chất lượng tốt mà doanh thu không chiếm phần hơn là thiếu hợp lý. |
So sánh với các nước, giá vé xem phim chiếu rạp của Việt Nam đã tăng tốc rất mạnh. Vào thời điểm năm 2010, mức giá cho một chiếc vé xem phim 2D của Việt Nam chỉ là 1,1 USD, thì đến năm 2015, số tiền chi để xem phim 3D đã là 8 USD. |
So sánh với Mỹ, mức chi cho tiền vé xem phim rạp của Việt Nam là tương đương, dù thu nhập của người Việt thấp hơn tới 32 lần. Làm một phép tính đơn giản, thu nhập trung bình đủ cho người Mỹ tới rạp hơn 7.500 lần một chiếc vé, còn người Việt chỉ là 260 lần. |
Vụ khiếu nại của các doanh nghiệp tới Hiệp hội Điện Ảnh rốt cuộc cũng chỉ vì chính túi tiền của họ, trong khi người chịu thiệt vẫn là khách hàng. Giá vé không giảm, khách hàng thậm chí còn mất cơ hội xem các tác phẩm lớn chỉ vì sự ghẻ lạnh của các ông lớn trên bàn tiệc phân chia thị trường. |
(Theo Trí thức trẻ)