Ông Lương Hoài Nam khẳng định giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên, trong khi đang thiếu hụt 60-70 chiếc.
Tại hội thảo “Hàng không – Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức hôm nay (12/6), ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho rằng, Bộ GTVT và các hãng bay đã chỉ ra nguyên nhân vé máy bay tăng cao (như chi phí nhiên liệu tăng, biến động tỉ giá, thiếu máy bay, chi phí thuê máy bay tăng)… Tuy nhiên, ông cho rằng, một số nguyên nhân chưa được đề cập đó là thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh.
Ông dẫn chứng, giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác, còn ở ta chỉ có hai hãng hàng không lớn (là Vietnam Airlines và Vietjet) chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước hiện nay.
Thêm vào đó, việc bảo trì ở nước ngoài tốn kém chi phí và thời gian, hợp tác giữa hàng không và du lịch chưa mạnh mẽ, các hãng hàng không giảm bớt các chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm vào chất lượng dịch vụ khách hàng.
Việc giá vé tăng cao, theo ông Chính, nhiều khiến gia đình Việt Nam sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển.
Thực tế này dẫn đến trường hợp éo le là người dân đi từ TP.HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi mới về Hà Nội.
Đưa ra giải pháp kéo giảm giá vé máy bay, ông Chính đề xuất Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021.
Chính phủ có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không.
Đặc biệt, ông Chính đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.
Ông Lương Hoài Nam, CEO Bamboo Airways, khẳng định giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên. Hiện tổng số máy bay của các hãng đang khai thác chỉ còn khoảng 160 chiếc, lượng máy bay thiếu hụt 60-70 chiếc.
Theo ông Nam số lượng máy bay trên thế giới vẫn còn nhiều, chỉ cần trả giá cao hơn thì chúng ta có thể bù đắp số lượng máy bay đang thiếu (thủ tục thuê ướt 2 tuần - 1 tháng, thuê khô 3 tháng).
“Thế nhưng vì sao các hãng không cố gắng đưa máy bay về?”, ông Nam nêu vấn đề và lý giải do “các hãng bay không có động lực kinh doanh khi bay nhiều thì lỗ nhiều”.
“Với mặt bằng chi phí hiện nay, bay nội địa có lãi trở nên bất khả thi cho nên chỉ khi có nhiều máy bay thì giá vé mới giảm nhiệt”, ông Nam khẳng định.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho hay, giá vé đang thấp so với quốc tế. Hiện các dải giá vé vẫn được giữ nguyên, nhưng tỷ trọng vé giá rẻ bị thu hẹp (trước đây 30% thì nay giảm xuống 5%).
Trước thông tin giá máy bay tăng cao do “cõng” nhiều loại phí, ông Thanh cho biết, ACV thu từ khách hàng và các hãng 5 hạng mục, có tổng thu là 184.000 đồng/hành khách (chiếm khoảng 7-8% giá vé).
Với đề xuất Chính phủ cần khuyến khích mở thêm các hãng hàng không mới, ông Lại Xuân Thanh thông tin, các nhà đầu tư đang “bỏ của chạy lấy người” ngay với nhà đầu tư nước ngoài như hãng Pacific Airlines, các nhà đầu tư trong nước cũng không tham gia.
“Ở đây không phải Chính phủ khuyến khích hay không khuyến khích, chưa bao giờ Chính phủ không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực hàng không. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư không nhìn thấy lợi nhuận trong việc đầu tư vào vận tải hàng không. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, Nhà nước phải đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh.