Theo ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, giá vàng đã tăng ấn tượng 27% kể từ đầu năm, sớm đạt ngưỡng mục tiêu 3.300 USD/ounce trong năm 2025, nhanh hơn so với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia.

Báo cáo phân tích từ Saxo Bank chỉ ra nhiều yếu tố thúc đẩy đà tăng liên tiếp của vàng.

Lãi suất của Fed

Hiện tại, giới đầu tư đang theo dõi sát sao chính sách lãi suất của Fed. Thị trường kỳ vọng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất từ 75 đến 100 điểm cơ bản trước cuối năm 2025, phản ánh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, lãi suất giảm trở thành yếu tố hỗ trợ mạnh cho vàng. Khi lãi suất thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng giảm, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ giá vàng.

gia vang the gioi.jpg
Giá vàng thế giới được dự báo còn tăng. Ảnh: Kitco

Giao dịch vàng ETF

Nhu cầu đầu tư vào các quỹ ETF vàng đang có xu hướng gia tăng, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy giá vàng trong năm nay. Đến nay, tổng lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ đạt 2.773 tấn, tăng 269 tấn so với cùng kỳ tháng 5/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử 3.453 tấn ghi nhận vào năm 2020.

Một yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư vào ETF là chi phí nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng. Triển vọng chi phí nắm giữ thấp hơn cùng với những lo ngại về suy thoái kinh tế đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng.

Theo chuyên gia George Milling-Stanley, các quỹ ETF vàng sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu đầu tư trong phần còn lại của năm 2025.

Lạm phát tăng cao tại Mỹ

Vàng từ lâu đã được xem là một công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả. Khi áp lực lạm phát gia tăng, giới đầu tư thường chuyển dịch dòng tiền sang vàng để bảo toàn giá trị tài sản.

Gần đây, lợi suất thực tế trên đường cong trái phiếu kho bạc Mỹ đã liên tục sụt giảm, phản ánh những lo ngại ngày càng lớn về lạm phát trong tương lai.

Khi kỳ vọng lạm phát tăng, lợi suất thực (lãi suất điều chỉnh theo lạm phát) của các tài sản có thu nhập cố định - như trái phiếu - sẽ giảm, từ đó làm gia tăng sức hấp dẫn tương đối của vàng.

Rủi ro địa chính trị

Sự bất ổn toàn cầu luôn có xu hướng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản phòng thủ an toàn như vàng. Khi căng thẳng địa chính trị leo thang, như xung đột vũ trang, chiến tranh hoặc bất ổn ngoại giao,... nhu cầu tìm kiếm sự an toàn trong vàng thường tăng cao, qua đó tạo lực đẩy cho giá vàng.

Bên cạnh đó, các cuộc chiến thương mại, điển hình là căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, đang làm gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ đó, tiếp tục củng cố vai trò của vàng như một “nơi trú ẩn an toàn” cho dòng vốn quốc tế.

Nhu cầu của ngân hàng trung ương

Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và chuyển sang nắm giữ vàng như một tài sản dự trữ trung lập, mang tính ổn định lâu dài.

Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang dẫn đầu xu hướng này. Trong ba năm qua, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã liên tục mua ròng hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm - mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh địa chính trị bất ổn và rủi ro tiền tệ gia tăng, xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025. Điều này tạo thêm lực đỡ vững chắc cho giá vàng trên thị trường quốc tế.

Giá vàng sắp tới sẽ như thế nào?

Saxo Bank vừa điều chỉnh nâng dự báo giá vàng năm 2025 lên mức 3.500 USD/ounce.

Tương tự, UBS cũng cập nhật dự báo mới, nâng giá vàng lên 3.500 USD/ounce vào năm 2025. Theo chiến lược gia Joni Teves của UBS, sự thay đổi về bối cảnh thương mại, kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang củng cố vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Ngân hàng ANZ thậm chí còn lạc quan hơn khi nâng dự báo giá vàng cuối năm lên 3.600 USD/ounce, đồng thời điều chỉnh dự báo 6 tháng lên 3.500 USD/ounce, từ mức 3.200 USD/ounce trước đó.

Theo ngân hàng này, nguy cơ suy thoái sâu hơn ngày càng tăng trong bối cảnh địa chính trị, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lo ngại về lạm phát gia tăng cùng với triển vọng tỷ giá thay đổi, khiến giá vàng sẽ vẫn vững chắc trong thời gian tới.