Ngày 26/12, hạt tiêu – mặt vàng được ví như “vàng đen” của Việt Nam có giá xuất khẩu loại 500 và 550 g/l lần lượt ở mức 3.700 và 3.800 USD/tấn. Còn hạt tiêu trắng xuất khẩu có giá 5.300 USD/tấn.
Tại các vùng trồng, giá hạt tiêu tiếp đà tăng mạnh, vượt qua mốc 80.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại thủ phủ hồ tiêu Đắk Lắk và Đắk Nông, giá mặt hàng này tăng lên mức 83.500 đồng/kg; ở Gia Lai cũng lên ngưỡng 80.500 đồng/kg; thương lái Đồng Nai thu mua tiêu với giá 81.000 đồng/kg; Bà Rịa - Vũng Tàu giá cũng tăng lên 81.000 đồng/kg.
Trong khi ở Bình Phước, giá loại “vàng đen” này đã tăng lên 84.000 đồng/kg – mức cao nhất cả nước.
Tại các địa phương, thời điểm này bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sớm hồ tiêu, trong khi thu hoạch rộ vào tháng 1/2024.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12 năm nay, nước ta xuất khẩu gần 255.700 tấn hạt tiêu, thu về 870,7 triệu USD.
Dù lỡ hẹn với mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD, song Việt Nam vẫn giữ vị thế quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 60% thị phần, bỏ xa quốc gia ở vị trí thứ 2 là Brazil.
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, nguồn tiêu gần như đã cạn. Chúng ta xuất khẩu hết sản lượng hạt tiêu thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Bởi vậy, lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, sản lượng vụ tiêu năm 2024 của nước ta ước đạt 160.000-165.000 tấn, giảm khoảng 10-15% so với năm 2023.
Trong khi đó, giới phân tích nhân định, sản lượng hồ tiêu năm tới của Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30%, Việt Nam giảm 10-15%, chỉ có Brazil tăng 15%. Sản lượng tiêu của ba quốc gia xuất khẩu lớn đều giảm nên Brazil tăng sản lượng cũng sẽ không hỗ trợ được nhiều. Do đó, giá hạt tiêu được dự đoán giá sẽ tăng trong năm tới.
Giá tiêu trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao trở lại trong thời gian gần đây, nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và EU đang có dấu hiệu phục hồi. Theo đó, mặt vàng “vàng đen” của nước ta được kỳ vọng quay trở lại thời hoàng kim, lấy lại vị thế ngành hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm tới.