Phân khúc xe bán tải ở Việt Nam hiện ít có sự xáo trộn về thị phần, nhất là khi thị trường chỉ còn 5 mẫu xe sau khi Chevrolet Colorado dừng bán từ nửa cuối năm 2020. Trong đó, nhóm "chiếu trên" hiện thường duy trì 3 mẫu xe là Ford Ranger, Toyota Hilux và Mitsubishi Triton, với thị phần lớn nhất thuộc về Ford Ranger.

Ở nhóm còn lại, hai mẫu Mazda BT-50 hay Isuzu D-Max thường xuyên có lượng tiêu thụ khá khiêm tốn, dù có giá rẻ hơn. Bước sang năm 2021, hai mẫu xe này cùng có bước ngoặt lớn đó là ra mắt thế hệ mới tại Việt Nam, đem theo kỳ vọng thay đổi thứ hạng bán xe.

Vậy những thay đổi trên ra sao và liệu điều đó có đủ giúp Mazda BT-50, Isuzu D-Max "lột xác" khỏi quá khứ "ế ẩm", hay đơn giản chỉ là cuộc cạnh tranh nội bộ giữa 2 mẫu xe có nhiều điểm chung ở thế hệ mới.

Không còn là bán tải giá rẻ

Ngày 25/8, Thaco Trường Hải chính thức công bố thế hệ mới của mẫu bán tải Mazda BT-50 bán tại Việt Nam. Thế hệ thứ 3 (ra mắt thế giới tháng 6/2020) tiếp tục có 4 phiên bản, nhập khẩu từ Thái Lan. Cụ thể, thấp nhất là bản số sàn 4x2 giá 659 triệu đồng (tăng 80 triệu đồng), bản số tự động 4x2 AT giá 709 triệu đồng (tăng 95 triệu đồng), bản 4x2 AT Luxury giá 789 triệu đồng (tăng 145 triệu đồng) và bản cao cấp nhất 4x4 AT Premium giá 849 triệu đồng (tăng 100 triệu đồng).

Trước đó vào tháng 4, đối thủ Isuzu D-Max chính thức nhập khẩu từ Thái Lan bán ra thị trường. Đây là Isuzu D-Max thế hệ thứ 3 ra mắt thế giới từ cuối năm 2019. Xe bán tại Việt Nam có 3 phiên bản, gồm Prestige MT 4x2 giá 630 triệu (giảm 20 triệu đồng), Prestige AT 4x2 650 triệu và Type Z AT 4x4 850 triệu đồng (tăng 30 triệu đồng).

Như vậy, ngoại trừ Isuzu D-Max hạ giá nhẹ ở bản thấp cấp, thì cả hai mẫu xe đều có động thái tăng giá, nhất là ở phiên bản cao cấp.

Với giá bán bản cao cấp nhất tương đương nhau là 850 triệu đồng, cả Mazda BT-50 và Isuzu D-Max không còn ưu thế giá rẻ khi so với những đối thủ còn lại như Mitsubishi Triton (giá từ 600-865 triệu đồng), Ford Ranger (giá từ 616-925 triệu đồng), Toyota Hilux (giá từ 628-921 triệu đồng).

Thực tế yếu tố giá rẻ hơn đối thủ đã được Mazda BT-50 và Isuzu D-Max duy trì nhiều năm, thậm chí có giai đoạn giá bán còn giảm hàng chục triệu đồng để kích cầu nhưng thứ hạng thị phần không hề cải thiện.

Trong khi đó, các đối thủ gần đây liên tục ra mắt thêm phiên bản giá rẻ như Mitsubishi Triton 4×2 MT (600 triệu đồng), Ford Ranger XL 2.2L 4x4 MT (616 triệu đồng), Toyota Hilux 2.4L 4X2 MT (628 triệu đồng) càng khiến yếu tố cạnh tranh giá không còn hợp lý.

Cùng chung nền tảng, khác nhau ngoại hình

Hiện tại, Mazda BT-50 và Isuzu D-Max đều là thế hệ mới khi bán tại Việt Nam, nhưng lại cùng chung một nền tảng (Platform) (thiết kế chung của gầm xe, hệ thống truyền động, hệ thống treo và trục khung xe). Đây là nền tảng Dynamic Drive do Isuzu phát triển, được cho là cứng hơn 23%, tối ưu hóa vị trí của các thanh ngang và tăng khả năng hấp thụ va đập, làm cho khung nhẹ nhưng an toàn hơn thế hệ cũ. Ở thế hệ trước, Isuzu D-Max chia sẻ Platform với mẫu Chevrolet Colorado.

{keywords}
 Isuzu D-Max thế hệ thứ 3 chia sẻ nền tảng Platform với Mazda BT-50

Chính vì cùng chia sẻ Platform nên Mazda BT-50 và Isuzu D-Max khá tương đồng về kích thước. Hai mẫu xe cùng chiều dài cơ sở 3.125 mm, Isuzu D-Max dài hơn một chút với số đo Dài x Rộng x Cao 5.295 x 1.860 x 1.785 (mm), trong khi Mazda BT-50 là 5.280 x 1.870 x 1.800 (mm). Khoảng sáng gầm trên phiên bản tiêu chuẩn của cả hai là tương đương nhau, ở mức 225 mm, nhưng có sự khác biệt ở bản cao cấp dù cùng dùng cỡ lốp 18 inch (Isuzu D-Max là 235 mm, Mazda BT-50 là 229 mm).

Bước sang thế hệ mới dù cùng chung khung gầm nhưng cả Mazda và Isuzu đều đi theo 2 ngôn ngữ thiết kế khác nhau. Mazda tiếp tục trung thành với phong cách Kodo vốn khá quen thuộc với người Việt qua các sản phẩm na ná nhau như Mazda3, CX-5, thể hiện bằng dấu hiệu nhận diện mũi xe tản nhiệt lớn kiểu lá chắn.

Do đó dù "đắp" thêm vào khá nhiều chi tiết gây điểm nhấn bên ngoài như đèn "mắt cú" tích hợp công nghệ LED Projector, thân và ca-pô nổi đường gân, cộng với kích thước nhỏ hơn trước khiến BT-50 bị chê "yếu đuối" về hình ảnh ngay từ thời điểm ra mắt thế giới trong năm ngoái.

{keywords}
Ngoại hình Mazda BT-50 2021

Isuzu D-Max lâu nay được coi là mẫu xe "đội sổ" ở thị trường Việt Nam, thế hệ mới giống "canh bạc" mà nhà phân phối quyết lấy lại thị phần vốn đã không thành công ở thế hệ trước. 

So với thế hệ cũ, hãng xe Nhật Bản đã chịu khó trau chuốt lại các chi tiết bên ngoài theo hướng hiện đại, sắc nét hơn trước. Cả 3 phiên bản đều lắp đèn pha LED kèm dải định vị, mặt ca-lăng lớn hầm hố, đèn sương mù và xi-nhan xếp tầng 2, đèn đuôi chia tầng bên giống Mazda BT-50. Dải đèn hậu kiểu mới, tổng thể gọn và mang chất thành thị hơn so với bản tiền nhiệm.

{keywords}
Hai mẫu xe này có thiết kế đuôi khá tương đồng, nhưng khác nhau về cách chia tầng đèn sau

Nhìn tổng thể, Isuzu D-Max mới trông cứng cáp và ra dáng bán tải hơn so với chiếc Mazda BT-50 2021. Bù lại, Mazda BT-50 sở hữu một số chi tiết sắc nét hơn như mâm đúc, cụm đèn pha và sương mù.

Nội thất Mazda BT-50 phong cách, Isuzu D-Max tẻ nhạt

Nếu như ngoại thất bên ngoài chiếc Isuzu D-Max thế hệ mới được khen ngợi thì ngược lại bên trong lại thua điểm so với Mazda BT-50, cho dù hai mẫu xe đều giống nhau về cách sắp xếp các chi tiết.

Ở các phiên bản cấp thấp, nội thất của Isuzu D-Max 2021 sử dụng khá phổ biến chất liệu nhựa, ghế bọc nỉ với hàng ghế trước chỉnh cơ, điều hòa chỉnh tay và màn hình cảm ứng 7 inch kết nối Bluetooth/USB với 4 loa âm thanh. Tạo hình trên các chi tiết trang bị khá góc cạnh, mang phong cách khỏe khoắn nhưng thiếu sự tinh tế về màu sắc khiến góc nhìn toàn cảnh trong xe hơi tẻ nhạt.

{keywords}
Nội thất hàng ghế trước Isuzu D-Max trông hiện đại  hơn trước nhưng màu sắc đơn điệu
{keywords}
Đối lập với nét sang chảnh trên Mazda BT-50 dù có nhiều điểm chung thiết kế.

Trên bản cao cấp TYPE Z sở hữu vô lăng và ghế ngồi bọc da, hàng ghế trước chỉnh điện 8 hướng, điều hòa tự động hai vùng độc lập với cửa gió cho hàng ghế sau, màn hình cảm ứng 9 inch kết nối Bluetooth/USB, 6 loa âm thanh,...

Đối với Mazda BT-50, ngoại trừ cụm cửa gió điều hòa đơn điệu mang kích thước lớn giống cách thiết kế xe của thế kỷ trước, phần còn lại khá khẩm hơn Isuzu D-Max nhờ phong cách sang chảnh vốn được Mazda thể hiện tốt trên các dòng sedan hay SUV.

Để mang đến cái nhìn cao cấp, Mazda sử dụng tông màu nâu/đen kết hợp ở khoang lái BT-50 cùng với đó là vật liệu nhựa mềm. Khu vực trung tâm nổi bật nhờ màn hình giải trí được bố trí mới dạng nổi với kích thước 9 inch kết hợp đầu CD/DVD, kết nối Apple CarPlay không dây. 

{keywords}
Hàng ghế sau Mazda BT-50 
{keywords}
Hàng ghế sau Isuzu D-Max

Về mặt tiện nghi, hai mẫu xe khá tương đồng ở bản cao cấp khi có đủ điều hòa tự động 2 vùng, khởi động nút bấm, đề nổ từ xa, nút bấm tiện ích trên vô-lăng, ổ cắm USB và cửa gió cho hàng ghế sau, đèn pha và gạt mưa tự động.

Sức mạnh tương đồng, Mazda BT-50 nhỉnh hơn về trang bị an toàn

Do cùng chung nền tảng (Platform), Mazda BT-50 và Isuzu D-Max đều trang bị động cơ dầu 4 xi-lanh, dung tích 1.9L sản sinh công suất cực đại 148 mã lực, mô-men xoắn 350Nm đi kèm hộp số sàn hoặc tự động 6 cấp, dẫn động cầu sau hoặc hệ dẫn động 4x4 tích hợp gài cầu điện tử và khóa vi-sai cầu sau.  

Như vậy, cả Mazda BT-50 và Isuzu D-Max bán tại Việt Nam đều đang đi theo hướng lựa chọn duy nhất một loại dung tích động cơ cho các phiên bản khác nhau khi bước sang thế hệ mới, giống Mitsubishi Triton đã làm trước đó. Hiện trên thị trường chỉ còn Ford Ranger và Toyota Hilux đang áp dụng 2 lựa chọn động cơ theo phiên bản tiêu chuẩn hoặc cao cấp.

Chính vì vậy, điều quan tâm nhất khi đưa 2 mẫu Mazda BT-50 và Isuzu D-Max lên bàn cân lúc này chính là trang bị an toàn.

So sánh 2 phiên bản cao cấp nhất, Mazda BT-50 tỏ ra hào phóng hơn dù giá bán ngang nhau. Mazda BT-50 4x4 AT Premium sở hữu 7 túi khí, chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, cân bằng điện tử ESC, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang và xuống dốc, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang, chống trộm, phanh tự động.

Trên Isuzu D-Max bản Type Z cũng trang bị tương tự Mazda BT-50 4x4 AT Premium nhưng thiếu vắng trang bị điều khiển hành trình cruise control. Có lẽ đây là cách mà Isuzu muốn hạn chế việc tăng giá bán lên quá nhiều nhưng không tính đến đây lại là trang bị khá tiện ích, dần trở nên "phổ thông" bởi ngay với cả dòng xe cỡ B, chứ chưa nói đến một chiếc xe giá 850 triệu đồng lại bị gạt bỏ.

{keywords}
Bảng so sánh thông số 2 phiên bản cao cấp nhất của Mazda BT-50 và Isuzu D-Max

Đánh giá chung

Với những thay đổi khá nhiều về trang bị động cơ, công nghệ dẫn động và ngoại hình mới mẻ, cả Mazda BT-50 và Isuzu D-Max đều giúp thổi một làn gió mới vào thị trường xe bán tải nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên cả 2 mẫu xe này vẫn thiếu vắng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ còn lại.

Đầu tiên là giá bán không còn cạnh tranh, thậm chí bản cao cấp còn thua kém trang bị so với đối thủ. Tiếp đến, vì cùng chung nền tảng với nhau nên Mazda BT-50 và Isuzu D-Max không quá khác biệt về sức mạnh cũng như cảm giác lái. Trong khi đó, cái bóng thị phần thấp, thường xuyên bắt tay nhau đứng cuối bảng xếp hạng tiêu thụ xe bán tải theo tháng tiếp tục là nỗi ám ảnh của người bán lẫn kẻ mua. Để cạnh tranh, cả Mazda BT-50 và Isuzu D-Max có thể sẽ phải dùng cách làm cũ: khuyến mại, giảm giá.

 

Đình Quý

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Bán tải tháng 7: Kẻ khóc người cười

Bán tải tháng 7: Kẻ khóc người cười

Doanh số xe bán tải tháng 7 có sự tăng trưởng so với tháng 6 bất chấp thị trường ô tô đang đà trượt dốc, đồng thời tồn tại hai thái cực: trong khi Ford Ranger bán chạy thì các đối thủ chững lại hoặc tụt giảm.