Giá gạo xuất khẩu cao nhất 9 năm qua

Từ đầu năm tới nay, gạo Việt xuất khẩu là một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp bất chấp dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng mạnh, vươn lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu và có thời điểm, thế mạnh này của Việt Nam còn vượt hai cường quốc xuất khẩu gạo là Ấn Độ, Thái Lan, trở thành nước có giá gạo xuất khẩu cao nhất.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 8 tháng năm 2020 dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,7%, đạt 4,5 triệu tấn, song giá trị xuất khẩu lại tăng tới 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, thu về 2,2 tỷ USD.

{keywords}
Giá gạo Việt xuất khẩu đạt đỉnh trong vòng 9 năm qua

Tính riêng 7 tháng năm 2020, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam với 35,3% thị phần, đạt 1,5 triệu tấn và thu về 688 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, gạo xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng gấp 3,1 lần, Trung Quốc tăng 84%, đặc biệt Senegal tăng tới 19,8 lần.

Giá gạo tại các nước xuất khẩu gạo lớn ở châu Á đang có chiều hướng tăng tích cực. Song, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của dịch Covid-19 khiến hoạt động logistics bị gián đoạn.

Không chỉ vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn, lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Còn tại Thái Lan, giá gạo tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đối với gạo Thái Lan chỉ ở mức thấp do giá gạo nước này không cạnh tranh. Thế nên, đây sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu ở nhiều thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang EU

Trao đổi với báo chí về xuất khẩu gạo sang thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, việc chuẩn bị hành trang để hạt gạo Việt sang EU đã được Bộ NN-PTNT triển khai trong một thời gian dài. Đến nay, chúng ta đã hoàn thiện quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm sang EU.

Theo ông Cường, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (khoảng 1 triệu ha), sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm.

Theo Hiệp định EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30 nghìn tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng nên tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

{keywords}
Nguồn cung lúa gạo thơm tại Việt Nam rất dồi dào, đây chính là lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Nếu chúng ta thực hiện tốt các quy định của EU, xuất khẩu được 30 nghìn tấn gạo thơm nói riêng và 80 nghìn tấn gạo nói chung theo hạn ngạch với giá cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đồng thời khẳng định được thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường khó tính như EU. Đây cũng là cơ sở để đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường này thời gian tới, ông Cường cho hay.

Theo Bộ NN-PTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6-6,5 triệu tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu tập trung chủ yếu tại vùng ĐBSCL.

Trong đó, tổng nhập khẩu gạo từ thị trường EU là 2,3 triệu tấn, kim ngạch 1,4 tỷ Euro. Năm 2019, lượng gạo xuât khẩu vào thị trường này đạt 50 nghìn tấn thu về 28,5 triệu Euro.

Song so với các nước ASEAN, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 Myamnar và 1/4 Campuchia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, gạo của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch bởi chúng ta có lợi thế từ Hiệp định EVFTA.

Theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Đối với sản phẩm từ gạo của Việt Nam, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, hai nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, đây là một lợi thế để chúng ta nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường EU.

Theo quy định tại Hiệp định EVFTA, có 9 giống lúa thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

Ông Nguyễn Như Cường nói thêm đã có 3 doanh nghiệp trong ngành gạo gửi hồ sơ về Cục đăng ký xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA. Trong đó, có doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên EU, giá xuất khẩu rất cao.

Tâm An