Nép mình trên một góc phố ở Quarry Bay, cửa hàng sách và văn phòng phẩm King Luen của ông Hui nhỏ đến mức không có chỗ cho hai khách hàng cùng đứng một lúc.
Những giá sách chồng chất cao đến tận trần nhà với một giá đỡ bằng kim loại chứa văn phòng phẩm. Tất cả tạo nên một không gian chật chội, bừa bộn. Đây là kiểu hiệu sách cổ gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người Hong Kong.
Giá thuê tăng gần 40 lần
Hiệu sách trên đường King's Road đã bán sách giáo khoa và văn phòng phẩm giá rẻ từ ngày 1/9/1969. Chủ nhà thời điểm đó đòi khoản tiền thuê hàng tháng là 96 USD cho cửa hiệu rộng 46 m2. "Bây giờ, giá thuê sẽ tăng lên 3.800 USD ", ông Hui tiết lộ.
Hiệu sách của ông Hiu nhỏ đến mức không có chỗ cho hai khách hàng cùng đứng bên trong. Ảnh: SCMP. |
Giá nhà này khiến các hộ kinh doanh lâu đời và nhỏ lẻ không còn khả năng chi trả. "Tôi sẽ phải gói lại mọi thứ. Đây là cửa hàng thứ tư và nhỏ nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã phải trả 2.679 USD mỗi tháng kể từ năm 2014. Bây giờ, con rể của chủ nhà đòi tăng giá lên 3.827 USD /tháng", ông Hui than thở.
Ông Hui cho biết con gái của ông đang muốn tìm một địa điểm mới ở Island West để tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình, nhưng vẫn chưa tìm được thỏa thuận thuê nhà thỏa đáng.
"Chúng tôi sẽ đồng ý thuê nhà nếu mức giá là 2.551 USD /tháng. Nếu không chúng tôi sẽ phải vứt bỏ tất cả sách và có lẽ tôi sẽ tìm một công việc mới, chẳng hạn như làm người gác cổng. Tôi không quen với việc nghỉ hưu hoàn toàn", ông nói thêm.
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ lao đao
Ông Hui sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) và chuyển đến Hong Kong năm 16 tuổi. Ông học đến bậc trung học rồi tham gia vào ngành sản xuất sản phẩm bằng giấy để hỗ trợ gia đình.
Sau đó, ông Hui biến xưởng làm phong bì của mình thành một hiệu sách. "Khi nền kinh tế phát triển, chúng tôi bán thêm sách giáo khoa mới. Khi nền kinh tế trở nên tồi tệ, chúng tôi bán sách giáo khoa cũ nhiều hơn. Luôn luôn có cách", ông Hui nhớ lại.
Cửa hiệu hiện tại chỉ bằng một nửa kích thước ban đầu. Không gian chật hẹp đến mức nếu một người mua đang ghé thăm cửa hàng, những người khác phải chờ đến lượt.
"Khi chúng tôi đến đây 5 năm trước, nhiều người trong khu phố đã chuyển đi do dự án cải tạo đô thị. Chúng tôi làm việc với chủ nhà và không chính thức gia hạn hợp đồng khi hết hạn vào năm 2017", ông tiết lộ.
Các khu dân cư cũ được đại gia bất động sản Hong Kong mua lại để tái phát triển. Ảnh: SCMP. |
Các đại gia bất động sản lớn như Henderson Land và Swire Properties đã mua lại các khu dân cư cũ ở Quarry Bay để tái phát triển vào năm 2014. Thời điểm đó, khu vực yên tĩnh này có lẽ chỉ nổi tiếng với Nhà tang lễ Hong Kong.
Nhưng giờ đây nó đã trở thành một phần mở rộng của trung tâm không gian văn phòng hạng A ở Tai Koo. Điều đó khiến cửa hiệu của ông Hui thay đổi nhanh chóng trong vòng một năm qua.
Dân văn phòng đổ xô đến và những trung tâm mua sắm mọc lên như nấm. Theo ông Hui, các cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng cho dân địa phương từ đó hoạt động khó khăn hơn. Một số cửa hàng tạp hóa và tiệm ăn đã biến mất. Những khách hàng trung thành nhất của ông Hui cũng đã ra đi.
"Ông chủ một nhà máy in, tên Chiu, từng thường xuyên đến đây mua sách. Ông ấy thường rủ tôi đi ăn trưa và luôn gọi một đĩa thịt heo nướng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông Chiu sẽ lì xì ba đứa con của tôi đồng 500 HKD ( 63,79 USD ) để lấy may", ông Hiu nhớ lại.
Thói quen thay đổi
Bên cạnh các đại gia bất động sản, hệ thống phát hành và xuất bản sách ở Hong Kong - Sino United Publishing - cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ông Hui.
"Kể từ khi nhóm kiểm soát cả xuất bản và bán hàng, các nhà phân phối của họ cho chúng tôi ít ưu đãi hơn khiến lợi nhuận chẳng còn là bao. Để kiếm đủ ăn, chúng tôi phải bán cả sách cũ và sách mới", ông Hui than thở.
"Học sinh, sinh viên từng rất tiết kiệm và không ngại dùng sách cũ. Nhưng ngày nay, với sự trợ cấp của chính phủ, nhiều gia đình đã có khả năng mua sách mới", ông Hui nói.
Không gian chật chội trong hiệu sách của ông Hui. Ảnh: SCMP. |
Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 28/8, chính quyền Hong Kong đã rót 71 triệu USD vào chương trình hỗ trợ sách giáo khoa cho hơn 150.000 học sinh tiểu học và trung học.
Ngoài ra, theo ông Hui, giới trẻ ngày nay cũng không còn đến tiệm sách nhiều. Nhiều người chỉ cho bố mẹ quyển sách cần mua qua điện thoại. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, ông Hui có thể không đóng cửa hàng của mình dù việc kinh doanh không sinh lời.
"Tôi đã duy trì việc kinh doanh nhờ việc yêu cầu giá thấp hơn từ nhà cung cấp, thay vì tăng giá cho khách hàng. Tôi đã luôn nhận được những ưu đãi tốt bằng cách nào? Tôi tôn trọng tất cả người bán hàng và đối xử tốt với họ", ông Hui chia sẻ.
(Theo Zing)