Những ngày gần đây, giá lợn hơi vẫn tiếp đà tăng. Tại miền Bắc, giá mặt hàng này tăng lên ngưỡng 66.000-67.000 đồng/kg; trong khi ở miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng ở mức 62.000-65.000 đồng/kg.
Dịp này tại Đồng Nai và TP.HCM, người chăn nuôi đã bán được lợn hơi với 68.000-68.500 đồng/kg - cao hơn mức đỉnh 67.000 đồng/kg ghi nhận vào đầu tháng 7/2023. Ở một số địa phương khác tại miền Nam, giá lợn hơi phổ biến quanh mức 64.000-65.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - giá lợn hơi tăng phù hợp với quy luật thị trường khi nguồn cung sụt giảm khá mạnh. Một thời gian dài giá lợn hơi giảm xuống 50.000 đồng/kg, nhiều người chăn nuôi lợn lâm vào cảnh khó khăn, không có lãi đành giảm đàn hoặc treo chuồng.
Đến nay, giá lợn hơi lên 65.000 đồng/kg là mức hợp lý, người chăn nuôi có lãi tốt.
Trong hai tháng tới, giá mặt hàng này có thể tiếp tục tăng cao hơn. Lý do là nông dân chưa dám tái đàn nhiều, phía doanh nghiệp cũng tăng nguồn lực nhưng sẽ khó tăng mạnh khi dịch bệnh hoành hành.
Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng nhận định, giá lợn hơi sẽ còn tăng cao. Bởi, thị trường đang trong tình trạng thiếu hụt cung và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng này.
Đặc biệt, với quy mô đàn lợn lớn, cộng với giá bán đang đà phục hồi, các doanh nghiệp chăn nuôi tự tin sẽ thu lãi khủng từ 1,5-2,5 triệu đồng khi xuất chuồng một con lợn trọng lượng 100kg, với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg.
Cuối tháng 4 vừa qua, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam, chia sẻ, nguyên liệu chiếm tới 70% giá thành chăn nuôi lợn. Giá nguyên liệu có độ trễ khoảng 6-8 tháng nên giá lợn quý I/2024 vẫn ghi nhận giá nguyên liệu từ quý III/2023.
Theo đó, giá nguyên liệu rẻ trong những tháng đầu năm 2024 sẽ được ghi nhận từ quý II tới. Tức, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm, giá thành chăn nuôi lợn cũng sẽ giảm theo.
BaF Việt Nam hiện sở hữu 32 trang trại nuôi lợn nái và lợn thịt với tổng quy mô lên đến 430.000 con, cung cấp khoảng 1 triệu con lợn thương phẩm ra thị trường/năm.
Đáng chú ý, giá vốn mảng chăn nuôi lợn của BaF đang ở mức 40.000 đồng/kg, khá thấp so với mặt bằng chung. Doanh nghiệp này có thể lãi khủng 2,5 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng, với giá bán 65.000 đồng/kg.
Tương tự, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, cũng tiết lộ, giá lợn đang rất tốt, trong khi giá thành chăn nuôi ở trang trại lớn chỉ 46.000-49.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ chăn nuôi lợn có thể tăng từ 30-40%.
Do đó, bầu Đức cho biết, tháng 5-6 năm nay sẽ tăng đàn và đến cuối năm dự kiến sẽ lấp đầy chuồng trại sẵn có. Doanh thu năm 2025 từ lợn có thể vượt qua doanh số mảng trái cây của công ty.
Tiết lộ giá thành chăn nuôi lợn chỉ ở mức 48.000-51.000 đồng/kg, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco, cho hay, lợi nhuận quý II/2024 có thể cao gấp hơn 3 lần so với kết quả thực hiện của quý I nhờ giá thịt lợn hơi tăng cùng với việc năng suất đàn ở mức cao nhất lịch sử.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 28 triệu con. Ngành chăn nuôi đón thêm tin vui khi Tây Ninh công bố là vùng an toàn dịch bệnh.
Đây là yếu tố quan trọng đặc biệt, bởi theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.
Khi đạt tiêu chí này, sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt lợn có thể xuất khẩu được sang nhiều quốc gia hơn. Ngoài các thị trường truyền thống, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt lợn qua Nhật, Hàn Quốc; xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Mở rộng được thị trường xuất khẩu cũng đồng nghĩa giảm áp lực tiêu thụ tại thị trường nội địa, giá sản phẩm sẽ ổn định hơn.