Ban tổ chức cuộc thi Nông dân với CNTT, bà có thể đánh giá những thuận lợi và khó khăn mà người nông dân Việt Nam sẽ gặp phải trong việc tiếp xúc, làm quen, và ứng dụng hiệu quả CNTT vào sản xuất nông nghiệp?

Cuộc thi “Nông dân với Công nghệ Thông tin” mang ý nghĩa xã hội rộng khắp khi lần đầu tiên trở thành sân chơi dành cho Nông dân Việt Nam, tầng lớp lao động chiếm tới 70% dân số, có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, kinh doanh, dịch vụ,… để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.

Cuộc thi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khởi xướng và chủ trì với sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đơn vị tổ chức Cuộc thi là Công ty Phát triển Dịch vụ Truyền thông (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT).

Như chúng ta đều biết, để triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT thì cần có một hệ thống CNTT tốt, gồm các thành phần như phần cứng, phần mềm, thông tin - cơ sở dữ liệu, các ứng dụng – tiện ích, hạ tầng viễn thông- kết nối, thiết bị người sử dụng, máy tính, smartphone… tất nhiên nữa là cước phí, khả năng chi trả của người dùng.

Như vậy, điểm thuận lợi là về hạ tầng công nghệ: hiện nay hệ thống cáp quang đã được phủ khắp 63 tỉnh thành, đến 100% phường, xã. Dịch vụ 3G đã phủ sóng hơn 90% diện tích lãnh thổ, wifi cũng rất được phổ cập tạo điều kiện thuận lợi đưa Internet về tận vùng sâu, vùng xa, tới thôn xóm và các bản làng.

Mạng Internet là nguồn thông tin, dữ liệu khổng lồ, giúp bà con nông dân tiếp cận thông tin khoa học trên mạng, tra cứu, cập nhật thông tin online từ các kho dữ liệu trong nước và quốc tế, giúp bà con học hỏi và chia sẻ thông tin kinh nghiệp nuôi trồng, hoặc tự tìm đầu ra cho sản phẩm, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường trong và nước ngoài…

Trước đây, chúng ta chủ yếu dùng máy tính để bàn, máy tính xách tay giá tương đối cao, không thuận lợi cho người sử dụng. Thế nhưng hiện nay, giá thiết bị như tablet, smartphone, giá đã rất bình dân; bên cạnh đó nhiều các tiện ích do các công ty phần mềm trong nước phát triển giúp người dân dễ dàng sử dụng; ví dụ thiết bị cầm tay smartphone Lotus do công ty VNPT technology của VNPT sản xuất, giá chỉ khoảng 2 triệu đồng có rất nhiều ứng dụng cài trên máy rất thuận lợi cho việc tra cứu thông tin về nông nghiệp và nông thôn.

Khó khăn là về giá cước, hiện nay giá cước dịch vụ VT-CNTT so với mặt bằng chung của khu vực là tương đối thấp nhưng đối với đa số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh hiện nay thì bình quân thu nhập của bà con nông dân vẫn còn khá thấp, khoảng 24,4 triệu đồng/người/năm (theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Với mức thu nhập thấp như vậy, bà con vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc ra quyết định trong việc tiêu dùng thiết bị và dịch vụ VT-CNTT. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều kênh thông tin để tiếp cận với những dịch vụ này, việc tuyên truyền sâu rộng các dịch vụ, các ứng dụng VT-CNTT tới những người ở nông thôn còn chưa nhiều nên việc nhận biết về các dịch vụ, các ứng dụng này của bà con còn hạn chế…

Qua thời gian tổ chức cuộc thi, bà đánh giá thế nào về mức độ nhận thức của người nông dân Việt Nam và cần tăng cường thêm hoạt động gì trong thời gian tới để giúp cho người nông dân đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp?

Trong quá trình tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức đã có thời gian tiếp xúc và làm việc với rất nhiều thí sinh là người nông dân. Điều ngạc nhiên là người nông dân nhiều nơi của chúng ta đã biết ứng dụng CNTT rất linh hoạt vào các khâu không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn đào sâu, nghiên cứu, khám phá qua Internet và đặc biệt là tự tiếp thị và tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. Tôi cho rằng bên cạnh những yếu tố hạ tầng viễn thông - kết nối, thiết bị đầu cuối, hệ thống thông tin - cơ sở dữ liệu, sự hỗ trợ của các nhà mạng Viễn thông và vai trò của các cơ quan quản lý ... rất cần truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân về những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại; Đào tạo và hỗ trợ nông dân phổ cập kiến thức cơ bản về CNTT, về quy trình sản xuất, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm của Nông dân, trên cơ sở tạo ra chuỗi liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà nhà nông - doanh nghiệp”.

Là đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực VT-CNTT, lĩnh vực có vẻ xa lạ với công việc đồng áng của bà con nông dân, vậy cơ sở nào để IPC đến với cuộc thi và bà kỳ vọng gì ở cuộc thi?

Là đơn vị truyền thông của Tập đoàn VNPT, trong những năm qua IPC đã đề xuất và tổ chức thành công rất nhiều chương trình hoạt động phổ cập dịch vụ VT & CNTT, các hoạt động tuyên truyền về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hướng nghiệp của VNPT nhằm hỗ trợ vùng sâu vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo và khu vực nông thôn để nhiều người dân  sử dụng những dịch vụ tiện ích do VT CNTT đem lại. Những chương trình lớn hỗ trợ cộng đồng như phát triển cơ sở hạ tầng mạng VT CNTT và hỗ trợ Phổ cập tin học cho Thanh niên, các em hoc sinh vùng sâu vùng xa; Tài trợ các cuộc thi tin hoc trong học sinh và Olimpic Tin học Sinh viên hàng nam; xây dựng quỹ khuyến hoc khuyến tài  VNPT chắp cánh tài năng Việt... Đặc biệt tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt  đã duy trì hơn 12 năm qua, rất nhiều thí sinh đoạt giải thưởng trong lĩnh vực CNTT đã tạo nền tảng cho sự thành công của các doanh nghiệp trẻ về CNTT hiện nay trong nước và quốc tế.  Cuộc thi Nông dân với CNTT lần đầu tiên này, IPC phối hợp với Hội Nông đân tổ chức, được đánh giá là sân chơi có ý nghĩa thiết thực đối với người nông dân trong lĩnh vực CNTT, lĩnh vực đang đươc kỳ vọng làm thay đổi diên mạo nông thôn và là bước đột phá tạo ra hiệu quả vượt trội về kinh tế, xã hội cho nông dân. 

Chúng tôi tin tưởng, với kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình vì cộng đồng, và năng lực tổ chức hoạt đông Truyền thông, cuộc thi Nông dân với CNTT sẽ đạt đươc muc tiêu và kỳ vọng của BTC, thu hút được sự quan tâm của các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý, đặc biệt là nhiều người nông dân tham gia cuộc thi, qua đó khích lệ, tạo nên niềm say mê học tập, ứng dụng  CNTT vào các hoat động sản xuất kinh doanh ở nông thôn.  Chúng tôi cũng rất cảm ơn hai đơn vị Vietinbank và Đạm Phú Mỹ đã đồng hành cùng Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, chắp cánh và nâng đỡ những ý tưởng giúp cho người nông dân có động lực để tự tin thực hiện các mô hình kinh tế của mình. Từ khởi đầu của cuộc thi này, tôi tin rằng nông dân Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao trình độ, năng lực, tiếp cận với trình độ chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Cảm ơn bà!