Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo hạ giá sản phẩm từ ngày 8/8, với mức giảm trung bình từ 200.000-310.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT), cá biệt có doanh nghiệp giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Pomina giảm mạnh nhất. Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thép Pomina tại khu vực miền Trung được điều chỉnh giảm lần lượt là 1,31 triệu đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, kéo giá bán xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, 2 sản phẩm trên của thép Pomina giảm 300.000-310.000 đồng/tấn, còn lần lượt là 15,89 triệu đồng/tấn và 16,19 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng giảm 300.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,98 triệu đồng/tấn và 15,64 triệu đồng/tấn.

Giá thép giảm lần thứ 13 liên tiếp (Ảnh: Hoàng Hà)

Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc của thương hiệu thép Việt Nhật cũng giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,75 triệu/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và giảm 260.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức có mức giảm 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và 260.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, thép Việt Mỹ hạ giá bán sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức giảm lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 13 của giá thép trong nước kể từ 11/5 và lần giảm giá thứ hai trong tháng 8. Trong vòng gần 3 tháng qua, mức giảm giá cao nhất lên tới gần 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-16 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.

Nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm, các chuyên gia cho rằng là do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đi xuống. Giá nguyên vật liệu sản xuất thép như quặng sắt, thép phế, than cốc trong cuối quý II đã giảm 40-50% so với quý trước.

Cùng với đó, nguồn cung thép hiện khá dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều. Tính đến hết tháng 5, lượng thép tồn kho nội địa còn 1,49 triệu tấn, đạt mức cao kỷ lục. Với lượng tồn kho này, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm từ nay cho đến cuối năm.