- Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, việc xác định giá thành rất quan trọng đối với doanh nghiệp và cũng là vấn đề được dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm.
"Xã hội rất yêu cầu chúng ta phải minh bạch, công khai, rõ ràng về giá thành dịch vụ viễn thông, dù viễn thông là thị trường rất cạnh tranh, nhiều dịch vụ có giá thành đã giảm hàng chục lần so với thời điểm mới cung cấp", Thứ trưởng chỉ ra. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần nắm bắt được giá thành dịch vụ để biết doanh nghiệp nào phá giá, gây bất ổn, méo mó thị trường, từ đó có những biện pháp, chế tài can thiệp kịp thời.
Yêu cầu xác định giá thành hiện không chỉ đặt ra với riêng thị trường viễn thông mà nhiều ngành khác như điện lực cũng đang triển khai. Chỉ khi xác định được giá thành, thị trường mới biết được doanh nghiệp đang lỗ hay đang lãi. Đối với những dịch vụ thiết yếu như viễn thông thì điều này sẽ trực tiếp tác động đến quyền lợi của người dùng.
Hơn nữa, với bản thân doanh nghiệp thì nếu không nắm được giá thành dịch vụ của mình, làm sao biết được khâu nào cần xử lý, khâu nào cần tập trung đẩy mạnh? Nói cách khác, đây chính là cơ sở để doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trước đây, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 16 để hướng dẫn doanh nghiệp tính toán giá thành dịch vụ dựa trên nguyên tắc phân bổ doanh thu. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực tế thì Thông tư này đã nảy sinh một số bất cập, sai số trong tính toán của các doanh nghiệp khá lớn. Khi xây dựng, ban soạn thảo hình dung phần lớn chi phí của doanh nghiệp có thể phân bổ trực tiếp được, chỉ có một ít doanh thu không hạch toán độc lập, rạch ròi được thì mới tiến hành phân bổ theo doanh thu. Nhưng trên thực tế, khi thực hiện thì các doanh nghiệp đều phân bổ gần như 100% chi phí theo doanh thu, dẫn đến tình trạng một số dịch vụ tính theo doanh thu là lãi lớn, nhưng hiện trạng thực sự là lỗ, Thứ trưởng phân tích.
Để khắc phục những bất cập đó thì yêu cầu đặt ra là ngay từ khâu làm sổ sách đầu tiên, các doanh nghiệp đã phải bóc tách được chi phí. Nói cách khác, việc phân bổ chi phí gián tiếp (theo doanh thu) càng ít thì tỉ lệ chính xác khi tính toán giá thành càng cao. Theo tính toán của các nhà mạng, hiện tại MobiFone đang bóc tách được nhiều chi phí trực tiếp nhất, khoảng 50%. Viettel bóc tách được 47% chi phí chung, riêng chi phí di động là 42%.
Tại phiên họp thảo luận về hướng sửa đổi Thông tư 16 diễn ra sáng nay, 5/8, Cục Viễn thông đã nêu ra 3 phương án để các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan liên quan thảo luận, phân tích, góp ý. Đa số các ý kiến đồng tình với phương án sau khi bóc tách các chi phí trực tiếp, phần chi phí gián tiếp còn lại, không thể phân bổ được sẽ được chia theo 2 nhóm: Chi phí hạ tầng mạng lưới và chi phí phục vụ kinh doanh, với lý do phương án này tương đối đơn giản, dễ triển khai. Bản thân cơ quan quản lý cũng dễ theo dõi, kiểm tra kết quả.
Thực hiện từ 2016?
Tuy vậy, đại diện VNPT kiến nghị rằng, nên tiếp tục chẻ nhỏ hơn hai nhóm chi phí lớn nói trên, chẳng hạn như hạ tầng mạng lưới cần tách thành khấu hao, sửa chữa, điện nước... trên quan điểm "càng chi tiết, cụ thể thì doanh nghiệp càng dễ thực hiện tương đồng với nhau". Riêng đại diện Viettel đề xuất Bộ TT&TT ban hành giá cước dịch vụ trung bình trong lúc chờ đợi tính toán được giá thành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Trước những trao đổi này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo trong nội dung Thông tư sửa đổi cần phải làm rõ ngay từ đầu những dịch vụ bắt buộc phải bóc tách, công bố giá thành, hạch toán riêng để doanh nghiệp nắm được. Đây là những dịch vụ cốt yếu, có tác động lớn đến đời sống như di động, băng rộng.... Mục tiêu đặt ra là cố gắng từ năm 2016, các doanh nghiệp có thể đẩy tỉ lệ phân bổ chi phí trực tiếp cao trên 70 - 80%.
Đồng tình rằng đã là kinh doanh thì phải gắn với doanh thu, Thứ trưởng cho biết Bộ sẽ chỉ đưa ra những tiêu chí để bóc tách chi phí, còn tỉ lệ phân chia cụ thể ra sao sẽ do doanh nghiệp tự đề xuất. "Giá thành dịch vụ giữa các doanh nghiệp sẽ không thể giống hệt nhau được vì mạng này có thể tập trung làm mạnh mảng này, mạng kia lại ưu tiên cho mảng khác hơn. Chính vì thế, việc quy định tỉ lệ cứng là không hợp lý". Doanh nghiệp sẽ đăng ký tỉ lệ phân chia doanh thu với cơ quan quản lý vào đầu năm, để sau đó CQQL có thể kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện phi lý sẽ có ý kiến.
T.C