Sáng 18/10, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT đã kí kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022- 2025.
Chương trình phối hợp xuất phát từ thực tế, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên (HSSV) có chiều hướng gia tăng, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến HSSV, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước có 22 triệu HSSV. Hiện nay, HSSV đang thiếu các kỹ năng xử lý, ứng xử tình huống trên đường nhưng việc tuyên truyền theo hình thức “truyền thụ một chiều” khiến các em khó tiếp nhận đầy đủ kiến thức.
“Chúng tôi kì vọng trong thời gian tới, sẽ đổi mới công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức để các em dễ tiếp cận, dễ tiếp thu được các kĩ năng và hiểu biết pháp luật”, bà Ngô Thị Minh chia sẻ.
Theo chương trình phối hợp, sẽ có 4 nội dung trọng tâm được thực hiện là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho HSSV. Xây dựng, hình thành thói quan tham giao thông an toàn và văn hóa giao thông cho HSSV các cấp.
Các trường học phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh các cuộc vận động và triển khai, mô hình an toàn giao thông trên toàn quốc.
Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và đại học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chương trình phối hợp, hai Bộ đã nêu rõ mục tiêu, nội dung và trách nhiệm của từng cơ quan. Việc thực hiện phải thực sự thiết thực, hiệu quả, khi kết thúc chương trình các chỉ tiêu về tai nạn giao thông trong lứa tuổi giảm là thước đo đánh giá hiệu quả của chương trình.