Bài đăng mới đây trên nền tảng tuyển dụng LinkedIn của một cố vấn nghề nghiệp cấp cao từ trường danh tiếng ở thủ đô Islamabad (Pakistan) The City School đã thu hút nhiều chú ý, cảnh báo sự gia tăng dịch vụ mua bán điểm IELTS.
Chênh lệch giữa điểm thi và khả năng thực tế
Pakistan có cộng đồng người nói tiếng Anh lớn hàng đầu trên thế giới, nhờ vào di sản thuộc địa và dân số đông. Tuy nhiên, việc phải đáp ứng các yêu cầu ngôn ngữ khắt khe với điểm IELTS 6.0-7.0 đã tạo ra áp lực lớn cho sinh viên muốn du học.
“Nguyên nhân chính dẫn đến việc làm giả điểm IELTS là do sự tham gia của các công ty du học gian dối. Họ hứa hẹn giúp sinh viên đạt điểm cao hơn thông qua các tài liệu giả và dịch vụ 'làm bài thi thay”, ông Kousar Sharif, giám đốc Trung tâm luyện thi IELTS và Coaching Nextage Institute tại thành phố Lahore (Pakistan) giải thích.
“Những sinh viên này thường xuyên đối mặt với áp lực phải đáp ứng yêu cầu ngôn ngữ và đã lựa chọn hành vi gian lận thay vì cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình. Kết quả là khi họ học ở nước ngoài, khả năng thực tế thường rất yếu, bộc lộ sự chênh lệch giữa kết quả thi đã khai báo và khả năng ngôn ngữ thực sự”.
Ông Sharif cũng tiết lộ rằng một số công ty thu phí lên đến 700.000 PKR (khoảng 63,9 triệu đồng) cho một điểm 6.0 giả mạo. Trong một số trường hợp, các thí sinh còn được đưa sang Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thi nói để dễ thực hiện hành vi gian lận hơn, theo The PIE News.
Lợi dụng lỗ hổng hệ thống
Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện của các "kỳ thi có sự can thiệp" (managed tests), trong đó các công ty du học hỗ trợ sinh viên thông qua việc mạo danh hoặc các phương thức khác để đạt điểm cao.
Tiến sĩ Osamah Qureshi, giám đốc Văn phòng Giáo dục Ireland, cho biết: “Các kỳ thi có sự can thiệp được thực hiện bằng cách sử dụng người giả mạo tham gia thi trực tuyến, qua mặt các biện pháp bảo mật, đặc biệt là ở các phần LRW (Nghe, Đọc, Viết). Đó là lý do tại sao nhiều cơ sở giáo dục hiện nay yêu cầu thi tại trung tâm đã áp dụng các biện pháp bổ sung như camera phụ trong các kỳ thi trực tuyến để cải thiện bảo mật”.
Trong khi đó, một nhân viên IDP tại Pakistan cho biết các kỳ thi IELTS trên giấy dễ bị thao túng hơn. “Tài liệu thi thường bị rò rỉ từ các nguồn không rõ ràng, đôi khi là vào đêm trước kỳ thi. Điều này xảy ra do sự chênh lệch múi giờ khi tại một số khu vực, các kỳ thi bắt đầu sớm hơn. Đáp án có thể được truy cập và chia sẻ tại Pakistan trước khi kỳ thi diễn ra ở đây”.
Người này cũng cho biết, từng xảy ra trường hợp một tư vấn viên có quyền truy cập vào đáp án của tất cả các ngày thi, giúp gian lận điểm cho 350 sinh viên.
Tỉnh Punjab gồm các thành phố như Lahore, Faisalabad, Rawalpindi, Gujranwala và Multan đã trở thành một điểm nóng về gian lận điểm thi IELTS tại Pakistan. Việc thao túng điểm số giả có thể tốn tới 1,7 triệu PKR mỗi sinh viên (khoảng 155,4 triệu đồng).
Mặc dù IDP và các cơ quan cấp chứng chỉ khác đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống lại gian lận nhưng vấn đề này vẫn tiếp diễn.
“Việc mua bán kết quả IELTS hoặc các bản Báo cáo Kết quả thi là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng trên toàn cầu để thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất đối với những cá nhân làm giả điểmm IELTS hoặc lừa dối sinh viên”, phát ngôn viên của IDP nhấn mạnh.
Các báo cáo về gian lận liên quan đến IELTS không chỉ xuất hiện ở Pakistan. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ. Các cơ quan chức năng tại bang Gujarat đã phát hiện gần 1.000 thí sinh gian lận để có điểm IELTS cao. Tại bang Punjab, nhiều sinh viên đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, hứa hẹn cấp được chứng chỉ mà không cần thi.
Những sự việc như trên không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của sinh viên Nam Á mà còn gia tăng nguy cơ họ bị từ chối visa du học.