|
Các doanh nghiệp, tổ chức cần có sự đầu tư, quan tâm đến ATTT để hạn chế các cuộc tấn công của hacker. Ảnh: Thế Phương |
Số lượng tấn công ăn cắp dữ liệu tăng lên
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng Bkav cho biết, trong năm 2011, vấn đề ATTT "nóng bỏng" hơn hẳn so với những năm trước, đặc biệt vào thời điểm tháng 6/2011 khi có đến hàng trăm website của Việt Nam bị tin tặc "hỏi thăm" chỉ trong vòng một khoảng thời gian rất ngắn. "Trung bình các tháng còn lại cũng có đến hơn một trăm website bị tấn công, trong đó có không ít website của các cơ quan nhà nước (.gov.vn)", ông Đức cho biết thêm.
Bên cạnh các cuộc tấn công "bề nổi" để khoe khả năng, năm 2011 cũng chứng kiến không ít các cuộc tấn công "âm thầm", có chủ đích vào những website quan trọng nhằm mục đích phá hoại, ăn cắp dữ liệu hay cài đặt mã độc. Các mã độc này được thiết kế riêng cho từng website nên các trình diệt antivirus không thể phát hiện ra. "Đó là chưa kể đến, tình trạng virus, lừa đảo trên các mạng xã hội, điện thoại di động xuất hiện ngày càng nhiều", ông Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Đức, theo ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội ATTT, nếu như năm 2010 hacker bắt đầu tấn công vào một vài trang web của Chính phủ thì trong năm 2011 chứng kiến một loạt website bị tấn công. “Nguy cơ bị tấn công đã gõ cửa đến từng website chứ không phải chỉ tập trung vào 1,2 trang web lớn như những năm trước”, ông Thành kết luận.
Ngoài ra, việc Việt Nam vẫn liên tục có tên trong nhiều danh sách quốc tế về các vấn đề liên quan đến ATTT, đặc biệt là vấn đề thư rác cũng là một sự kiện tiêu biểu trong năm 2011. Bên cạnh đó, về mặt cảm tính, các cuộc tấn công “âm thầm” đang có xu hướng tăng lên cùng với việc đa dạng hóa các kỹ thuật tấn công, thậm chí có những phương pháp ăn cắp dữ liệu trước đó mới chỉ được nghe nói thì trong năm 2011 đã được hacker đem ra áp dụng.
Về nguyên nhân của các cuộc tấn công, ông Đức cho rằng, chủ yếu vẫn do hệ thống của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức chưa cập nhật kịp so với các kiểu tấn công hiện nay của hacker, bởi vì nhận thức , đầu tư về ATTT còn yếu. Đó là chưa kể đến sự lơ là bảo mật của một vài nhà cung cấp dịch vụ Hosting, Server dẫn đến việc hacker đột nhập và hàng trăm website bị tấn công chỉ trong vòng một đêm.
Việc đảm bảo ATTT sẽ có sự phân hóa rõ rệt
Theo ông Đức, sang năm 2012, số lượng các cuộc tấn công sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt các cuộc tấn công mang màu sắc chính trị (ăn cắp dữ liệu, tình báo...) nhất là khi khả năng “kháng thể” của các website Việt Nam rất yếu. “Tuy nhiên, năm 2012, Bkav vẫn hi vọng tình hình bảo mật của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước...sẽ được cải thiện hơn để dù số lượng các cuộc tấn công có tăng lên nhưng số vụ thành công sẽ giảm đi", ông Đức kết luận.
Còn theo ông Thành, nếu nền kinh tế năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, việc đảm bảo ATTT giữa các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ có sự phân chia rõ rệt. Các doanh nghiệp có sự đầu tư, quan tâm về ATTT sẽ ngày càng khó bị tấn công hơn trong khi những đơn vị khác dễ dàng trở thành mồi ngon cho tin tặc.
Cuối cùng, VNISA hi vọng, trong năm 2012, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng hệ thống giám sát an toàn mạng của quốc gia giống với hệ thống cảnh báo cúm gia cầm để có thể cảnh báo mọi người những nguy cơ đang xảy ra rất gần.
Theo đại diện của Bộ Công an, thống kê chưa đầy đủ năm 2011 cho thấy, đã có tới hơn 1.500 cổng thông tin điện tử bị tin tặc xâm nhập, cài mã độc có chủ đích thu thập thông tin và chiếm quyền điều khiển hệ thống CNTT.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 1+2 ra ngày 2/1/2012.