Lời toà soạn

Những thầy cô giáo mang trên vai sứ mệnh “trồng người” cao cả cũng rất tâm huyết với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi các kỹ năng của học sinh bằng những cuốn sách do chính họ viết. Đó là những vần thơ trong sáng giúp truyền tải giá trị nhân văn, giáo dục các em có lối sống đẹp, trở thành người tử tế; là những cuốn sách khiến giới trẻ thêm yêu lịch sử dân tộc hay các dự án phát triển tiếng Anh trong cộng đồng…

Tuyến bài của VietNamNet giúp các độc giả được làm quen với những nhà giáo đồng thời là các tác giả viết sách tôn vinh văn hóa đọc.

Đọc sách cũng là hưởng thụ, như ăn một món ngon

Du học nước ngoài, về nước làm giảng viên Học viện Khoa học Quân sự nhưng thầy Đỗ Cao Sang đã rời giảng đường, dành toàn bộ tâm huyết cho dự án phát triển tiếng Anh trong cộng đồng, viết sách và miệt mài mang các tác phẩm này đến với học sinh hiếu học. 

Với thầy Sang, đó là “quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời”. Bởi sau khi đạt ý nguyện học ở Mỹ và Úc, thầy phân vân không biết "nên phấn đấu cho điều gì".

thaysang1.jpg
Thầy Đỗ Cao Sang.

Lúc rảnh, thầy Sang viết các bài thơ về lịch sử để giải trí, lại được nhiều người đón nhận. Luôn thích thay đổi và làm điều mới mẻ, thầy Sang thấy mình hợp với môi trường dân sự hơn.

“Tôi sống có ý nghĩa hơn, cho mình và cho người khác. Được làm điều mình thích, tôi thấy hạnh phúc”, thầy Sang trải lòng.

Hiện tại, “gia tài” 11 cuốn sách đã xuất bản của thầy đều do “mạng xã hội thúc đẩy”, là những tập hợp bài viết từng được người dùng Facebook rất thích thú. 

Đỗ Cao Sang đam mê viết và tập làm thơ từ nhỏ. “Lúc bé, sang hàng xóm xem nhờ phim Tây Du Ký, tôi hay viết lại ra giấy. Sau đó, tôi vẽ minh hoạ, diễn giải dưới mỗi bức tranh, kiểu như truyện tranh. Mỗi tập tầm 20 trang, tôi bán lấy tiền mua được 4 cây kem. Mấy người bạn mua ‘sách’ của tôi vẫn nhớ mãi đến giờ”, thầy Sang nhớ lại.  

12 tuổi, cậu bé Đỗ Cao Sang có bài văn được in trong sách Để học tốt môn Văn lớp 6, liên tục viết truyện ngắn, tiểu thuyết bằng bút, cả ngàn trang giấy và vẫn giữ thói quen ấy đến giờ, ít hay nhiều đều phải cầm bút.

Vì thế với thầy, là tác giả của 11 cuốn sách “không có gì ngạc nhiên, chỉ là sớm hay muộn”.

Dù có kỹ năng viết tốt, nhưng ngay từ cuốn đầu tiên Lịch sử thú vị hơn em tưởng, thầy Sang đã phải rất kỹ trong khâu biên tập. Tác phẩm là thơ sử nên chỉ sai một chữ cuối câu là hỏng cả bài vì liên quan đến vần điệu.

thaysang3.jpg
Học sinh chúc mừng thầy Đỗ Cao Sang ra mắt sách. 

Hành trình viết sách đem lại cho thầy Sang nhiều niềm vui, hiểu thêm bản thân, đất nước và thế giới. Nó là trải nghiệm thú vị mà càng viết, càng thấy tư duy được mở ra, viết xong lại muốn thêm chỗ này, bỏ chỗ kia. 

Lúc đó thầy mới hiểu chia sẻ của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, kể khi ông viết xong, sách ra mắt là không dám đọc lại vì cứ thấy thiếu và thừa gì đó bèn bắt tay làm cái mới để đỡ bận lòng. Cảm giác của thầy Sang cũng vậy: “Tuyệt mỹ, hoàn hảo trong nghệ thuật là không có điểm cuối, nhất là trong văn chương, ngôn từ”.

Niềm vui nữa với thầy Sang là khi sách được in ra hầu như không phải giới thiệu bản thân mỗi khi gặp khách lạ: “Bây giờ chỉ cần nói: Tôi là Sang Đỗ, dạy tiếng Anh, có viết dăm ba cuốn sách. Những gì tôi nghĩ, tôi thấy đều ở sách cả. Ai muốn hiểu tôi nên tìm sách đọc, đơn giản vậy thôi”.

Nhưng hơn cả việc thôi thúc từ bản thân, thầy Sang viết sách nhằm truyền tải tri thức và góc nhìn riêng qua các câu chuyện lịch sử, nhân vật trong nước và quốc tế. 

Thích sách từ nhỏ nên thầy Sang thấy được lợi ích tuyệt vời từ việc đọc.

“Đọc sách để mở mang tri thức. Từ đó mở mang trí tuệ, tầm nhìn. Nên các cụ xưa có câu ‘đa văn - quảng kiến’. Nghĩa là có ‘đa văn’ (nhiều tri thức) mới ‘quảng kiến’ (tầm nhìn, kiến giải mới rộng mở, bao quát). Ngoài ra, đọc sách cũng để giỏi nghề, nâng cao thu nhập”, thầy chia sẻ.

Nhưng quan trọng hơn cả, theo tác giả, đọc sách đôi khi cũng là hưởng thụ, không nhất thiết phải hỏi đọc sách để làm gì bởi “được biết, được học là nhu cầu, niềm vui”.

“Có ai ngắm hoàng hôn mà hỏi ngắm được lợi gì. Có ai ăn một miếng ngon lại hỏi ăn để làm gì. Người ta luôn nghĩ ăn để thêm dưỡng chất nhưng đôi khi ta ăn cũng chỉ vì thích mùi vị ngon của thức ăn. Đọc sách nhiều khi cũng như vậy”, quan điểm của thầy Sang.

Dốc sức xây dựng một đất nước đọc sách nhiều hơn

Từ kinh nghiệm bản thân, để lan toả nhiều hơn văn hoá đọc, ngoài các hội thảo, diễn thuyết, khẩu hiệu, tuyên truyền, thầy Sang khuyên nên có những hành động cụ thể. 

Một là tất cả nên đọc gì đó ngay và luôn, thay vì hô hào suông, cha mẹ, thầy cô, nhà quản lý nên đi trước làm gương. 

Hai là phải để sách hiện diện ở mọi nơi như bến xe, bệnh viện, lớp học, ga tàu, máy bay, công viên, khách sạn… không chỉ riêng ở thư viện. Mỗi nhà nên có một tủ sách.

“Ở Việt Nam, nhiều thư viện nhà trường xuống cấp thảm hại, không đủ điều kiện về số sách, không gian và sự quan tâm. Bởi thế, chúng ta còn quá nhiều việc để làm.

Bản thân tôi luôn đọc và nghe sách liên tục. Ngoài ra, tôi thường xuyên viết bài hướng dẫn đọc sách và đi địa phương để lan toả về văn hoá đọc. Khi đọc xong tác phẩm nào, tôi cũng bình luận về nó và chia sẻ trên mọi nền tảng”, thầy Sang cho biết. 

Thầy nhớ lại, hồi đầu thế kỷ 19, ở Anh đã có những quán cà phê sách, cảnh tượng rất đẹp. Mỗi sáng, tác giả Charles Dickens đọc sách của mình cho thính giả nghe. Họ ngồi im phăng phắc cả giờ, vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe, sau đó mua sách ủng hộ ông. 

“Như thế, xét riêng văn hoá đọc, người ta đã đi trước mình cả 2 thế kỷ”, thầy Sang bày tỏ.   

Tác giả Đỗ Cao Sang không mong và cũng không nghĩ mọi người đều yêu sách giống nhau, nhưng rõ ràng cả một xã hội đọc sách nhiều (Nhật Bản, Israel, Đức…) là có thật. Nói cách khác, không thể ép một cá nhân nào đó say mê sách nhưng thúc đẩy, xây dựng một đất nước đọc sách nhiều hơn là hoàn toàn có thể.  

Vì thế, với tấm lòng của một người làm giáo dục, thầy Sang đã dành 3 năm qua để thực hiện một công việc mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết: tặng sách cho những học sinh hiếu học, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khao khát học tập. Với thầy, sách không chỉ là những trang giấy chứa kiến thức mà còn là hành trang, động lực để các em vươn lên trong cuộc sống. 

Thầy Sang đã thành lập Tủ sách thú vị hơn em tưởng, ra mắt nhiều tác phẩm như: Bên bờ nước, Lịch sử thú vị hơn em tưởng (2 tập), Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng (5 tập), Đọc sách thú vị hơn em tưởng, Tiếng gọi của khoảng trống, Roadmap for GenZ… hướng đến giáo dục khai phóng và tôn vinh văn hóa đọc, đặc biệt cho giới trẻ.

Thầy Đỗ Cao Sang nguyên là giảng viên chuyên ngành Tiếng Anh và Quan hệ quốc tế, Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, từng đảm nhận phiên dịch trong nhiều hoạt động đối ngoại của quân đội.

Thầy Sang đồng thời là người sáng lập Hội cha mẹ đồng hành cùng con tự học tiếng Anh - English Lights Your Home (ELYH).

Trong 3 năm qua, cùng với Hội ELYH, thầy Sang đã trao tặng gần 30.000 quyển sách đến gần 150 điểm trường, thư viện trên khắp Việt Nam.

Ảnh: NVCC