Nhiều nông dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang phải bỏ hoang ruộng sả, không buồn thu hoạch do giá bán sả đang lao dốc kỷ lục. Thậm chí, có người còn đốt luôn cả ruộng sả vì nếu thuê nhân công thu hoạch, còn lỗ nặng hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tùng – một thương lái thu mua sả tại huyện Tân Phú Đông, thời điểm này giá sả chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg, rớt sâu so với giá sàn khoảng 5.000 đồng/kg.

“Vụ này, nông dân trồng sả đạt năng suất cao, nhưng giá bán quá thấp. Thương lái chỉ mua sả cầm chừng. Nhiều nông dân thấy giá sả quá thấp đã bỏ hoang ruộng sả, thậm chí đã có người đốt bỏ ruộng sả luôn vì thuê nhân công thu hoạch càng lỗ vốn hơn”, anh Tùng cho biết.

{keywords}

Nông dân trồng sả phải tự thu hoạch chứ không dám thuê nhân công vì giá sả đang rớt kỷ lục. 

Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Tân Sơn, xã Tân Phú) rầu rĩ: “Vụ này, tui trồng 6 công sả. Thương lái lại không đến mua nên tui bỏ hoang ruộng sả luôn. Giờ sả ra bẹ rồi, chắc chỉ còn nước đốt bỏ”.

Cùng cảnh ngộ với bà Bé, anh Nguyễn Ngọc Kiên (ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh) cho biết, năm rồi anh thuê máy móc lên liếp 13 công đất để trồng sả tốn hơn 20 triệu đồng, rồi mua giống về trồng với mức giá 6.000 đồng/kg. “Vụ này tôi thu hoạch được 15 tấn sả, nhưng chỉ bán được với giá 1.500 đồng/kg, lỗ mất 20 triệu đồng”, anh thổ lộ.

{keywords}

Thương lái thu mua sả cầm chừng tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Hiện, toàn xã Phú Thạnh có gần 450ha trồng sả và là nơi trồng sả lớn nhất của huyện. Vừa qua, xã đã khuyến khích nông dân chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trong đó có cây sả. Chính vì vậy, thời gian qua, diện tích cây sả trên địa bàn đã liên tục tăng nhanh.

Theo ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Phú Đông, huyện có khoảng 1.500ha trồng sả, năng suất trung bình 15 – 20 tấn/ha.

Lý giải cho việc giá sả đang rớt kỷ lục, ông Hải cho rằng, do diện tích cây sả tăng nhanh đã khiến nguồn cung tăng lên, trong khi đó đầu ra vẫn chưa ổn định.

{keywords}

Trạm thu mua sơ chế sả trước khi bán ra thị trường. 

Theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, huyện Tân Phú Đông sẽ không còn diện tích sản xuất lúa. Huyện đang định hướng và khyến khích nông dân phát triển cho cây sả và mãng cầu xiêm.

{keywords}

Đầu ra chưa ổn định, cung vượt cầu khiến giá sả giảm sút mạnh trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

“Thực tế cho thấy, thời gian qua cây sả đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện biến đổi khí hậu ở huyện cù lao Tân Phú Đông. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa. Chính vì vậy, diện tích cây sả đã tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Hải cho biết.

Hiện, trên địa bàn huyện có một cơ sở sản xuất tinh dầu sả thủ công với công suất 2 – 2,5 tấn/ngày. Để phát triển hướng ra cho cây sả trên địa bàn, thời gian tới, địa phương sẽ triển khai Dự án Nhà máy chiết xuất tinh dầu từ cây sả (của Bộ Khoa học và Công nghệ) với công suất 8 - 10 tấn/ngày.

(Theo Dân Việt)