Tại Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa gửi Bộ GTVT, của Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850-dưới 1.000km, mức giá tương ứng 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng.
Riêng với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu 750.000 đồng, tối đa 3,75 triệu đồng.
Hiện nay, khung giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không (giá vé máy bay) chỉ quy định giá tối đa (giá trần), không có giá tổi thiểu (giá sàn), hoặc có thể hiểu là giá sàn bằng 0. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, sẽ không còn giá vé máy bay 0 đồng.
Đề xuất giá sàn vé máy bay của Cục Hàng không với từng chặng bay |
"Cứu" Vietnam Airlines khỏi phá sản
Việc đề xuất áp sàn giá vé máy bay, Cục Hàng không lý giải, do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, khiến lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu khiến các hãng bị đứt gãy dòng tiền.
Những nguyên nhân này tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không.
Cụ thể, theo kiến nghị của Vietnam Airlines hồi tháng 7/2021, mức giá vé máy bay tối thiểu bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định, áp dụng trong vòng 36 tháng
Đề xuất này là giải pháp tình huống để thực hiện điều tiết giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, áp dụng trong thời gian ngắn nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn, giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của hãng).
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, áp giá sàn mà Vietnam Airlines đề xuất bằng 44% mức giá tối đa là cao, vì giá này tương đương với chi phí bình quân trên ghế của các đường bay nội địa của hãng năm 2019, không hợp lý khi mức giá tối thiểu bằng với mức giá bình quân, khiến một bộ phận người thu nhập thấp không thể đi máy bay.
Chưa kể, giá trên là mức cao nhất trong số các quốc gia đã từng áp dụng giá sàn, bằng giá cao nhất của đường sắt (giường nằm khoang 4 điều hòa) và gấp đôi giá vé đường bộ, làm hạn chế tính cạnh tranh và khả năng khôi phục thị trường vận chuyển hàng không nội địa của các hãng khác.
Thời gian áp dụng 36 tháng là quá dài, khi đây là chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoại trừ Vietnam Airlines và Pacific Airlines đồng ý phương án trên, các hãng hàng không khác, như Vietjet Air đề xuất không áp dụng giá sàn, Bamboo Airways cho rằng nên bỏ quy định Nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên.
Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa phù hợp |
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đồng ý đề xuất áp dụng giá sàn là 20% giá tối đa hiện nay. Thời gian áp dụng 12 tháng, từ 1/11/2021 hết 31/10/2022.
Hết sức cẩn trọng
Trước đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, trong thông báo chiều 7/9 về đề xuất áp giá sàn với giá vé máy bay nội địa, Bộ GTVT cho rằng, đây là vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt, phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.
Do đó, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau, trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 24/8, trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 2/2021 ngày 13/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Triển khai yêu cầu này, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, và Cục Hàng không đã đề xuất phương án giá sàn vé máy bay và thời gian triển khai dự kiến như trên.
Ngọc Hà
Covid-19 'quét sạch' giá vé máy bay 0 đồng
Giá vé máy bay tới đây thấp nhất là 320.000 đồng một vé thay vì 0 đồng như thời gian qua do các hãng bay ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.