Kiêng hay không kiêng?

Liên quan đến việc mua xe trong tháng “cô hồn”, chị Phạm Hồng Vân (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa gặp phải tình huống lỡ dở và đành “đứt duyên” với chiếc xe mà chị đã đặt.

Đầu tháng 8 vừa qua, sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán với một đại lý ô tô Hyundai tại quận Cầu Giấy, chị Vân chọn ngày và đến lấy xe. Tuy nhiên, ngày hôm đó đại lý lại giao cho chị một chiếc xe có dấu hiệu đã qua sử dụng với nhiều bộ phận bên ngoài bị móp méo, có vết xước.

Chị Vân không đồng ý nhận chiếc xe trên và đề nghị đại lý đổi chiếc xe mới 100%. Nhưng do không có sẵn hàng nên đại lý hẹn chị sau khoảng 5 ngày mới có thể bàn giao xe được. Thời điểm này đã vào đầu tháng 7 âm lịch nên chị Vân từ chối nhận xe vì… kiêng.

“Ô tô là tài sản lớn, lại là lần đầu mua xe nên tôi cứ cẩn thận, có kiêng có lành”, chị Vân chia sẻ với VietNamNet.

Chị Vân cho biết, do lỗi là từ phía đại lý khi giao xe không đúng cam kết trong hợp đồng mua bán nên sau đó, đại lý đã phải bồi hoàn toàn bộ tiền mua xe cùng tiền đặt cọc cho chị. Tổng số tiền là hơn 400 triệu đồng.

{keywords}
Mua ô tô trong tháng 7 âm lịch thường khiến nhiều người e ngại vì sợ gặp xui (ảnh: Đình Quý)

Cũng là mua xe trong "tháng cô hồn” nhưng trường hợp của anh Nguyễn Tiến Dũng (33 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại có cái kết khác.

Sau thời gian tham khảo cùng sự chăm sóc kỹ càng của đội ngũ sales, anh Dũng đã gom tiền và quyết định “tậu” chiếc xe yêu thích từ một đại lý Mitsubishi gần nhà vào ngay đầu tháng 7 âm lịch. 

Sau khi đã đặt tiền và ấn định ngày lấy xe, vợ anh – chị My lại ngăn cản vì gia đình bên ngoại và một số bạn bè khuyên không nên lấy xe vào tháng 7 âm lịch, sau này có thể gặp những điều không may mắn, suôn sẻ.

Tuy vậy, anh Dũng vẫn gạt đi và vẫn quyết tâm lấy xe ngay đầu tháng 7 âm lịch. Anh cho rằng, lấy xe vào thời điểm này rất có lợi khi được hưởng chính sách giảm giá từ đại lý đến hơn chục triệu, đồng thời còn được tặng thêm gói bảo hiểm thân vỏ và dán kính,…

“Do công việc, mỗi ngày tôi phải đi thị trường đến cả trăm cây số, xe cũ thì bán rồi mà không thể đi taxi được. Chiếc xe đối với tôi là phương tiện quan trọng phục vụ công việc, không thể vì quá kiêng cữ mà chịu “thiệt đơn, thiệt kép”, lỡ mất cơ hội tốt”, anh Dũng bày tỏ.

Ghi nhận thực tế tại một số showroom ô tô, nhiều khách hàng vẫn đến xem và chốt xe bất chấp tháng “ngâu”. Tuy nhiên, đối với thị trường ô tô cũ, lượng khách thưa vắng hơn nhiều so với tháng trước.

Anh Hoàng Dương – chủ một salon ô tô cũ trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) chia sẻ: “Tháng 7 âm lịch thường khá “ế ẩm” đối với thị trường xe cũ bởi tâm lý kiêng mua xe trong tháng này. Người đến xem thì đông nhưng nhiều người vẫn có chút lăn tăn”.

Khách hàng cần tự quyết định

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ môn quan để các vong hồn trở lại dương gian. Các vong hồn khi được thả ra có thể quấy phá các công việc của con người, do đó nếu làm những việc lớn như động thổ, xây nhà, mua xe... sẽ dễ gặp điều xui xẻo. Vì thế, người dân thường kiêng kỵ những việc này, ít nhất là hết ngày rằm tháng 7.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Tâm lý Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, những điều không nên làm và cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian mà không ai hay một ngành khoa học nào có thể kiểm chứng.

Tuy vậy, bà Hồng cho rằng, đôi khi tâm lý lo sợ và kiêng kỵ của nhiều người lại tác động đến nhận thức, hành vi và khiến họ lỡ mất những cơ hội để sở hữu những thứ mình thích như ô tô hay đồ dùng có giá trị khác.

“Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta nên cởi mở và đánh giá mọi việc không chỉ bằng niềm tin mà phải bằng khoa học. Hơn ai hết, chúng ta cần tinh tế phát hiện và nắm bắt cơ hội của mình, khiến cuộc sống thoải mái, vui vẻ và chất lượng hơn”, PGS.TS Hồng chia sẻ.

{keywords}
"Tháng cô hồn", nhiều mẫu xe giảm giá đến cả trăm triệu đồng

Anh Nguyễn Trọng Thế - phụ trách bán hàng của một đại lý ô tô cho hay, tháng 7 âm lịch hằng năm thường là dịp để các hãng rốt ráo chạy chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu. Trung bình, các mẫu xe giảm từ 10-50 triệu đồng. Có những mẫu giảm sâu tới 200 triệu đồng như Ford Everest,  Mitsubishi Pajero Sport...

Khách hàng mua xe trong tháng này có thể có lợi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng so với thời điểm khác.

“Chính sách này chỉ mang tính thời điểm, thường chỉ được áp dụng khoảng hơn 1 tháng mà thôi. Nhiều khách hàng còn “căn” để mua xe giá rẻ vào tháng 7 âm lịch”, anh Thế cho hay.

Một số chuyên gia cho rằng, chờ dịp gần Tết mới mua xe, các hãng xe thường ở trong tình trạng quá tải và thiếu xe, hầu hết các chương trình khuyến mại đều bị cắt bỏ. Thậm chí, nhiều đại lý ép khách hàng phải lắp thêm phụ kiện kiểu “bia kèm lạc” mới được giao xe đúng hẹn.

Do vậy, nếu bỏ qua việc kiêng kỵ tháng “cô hồn”, xét trên khía cạch kinh tế và dịch vụ bán hàng, các chuyên gia đều khuyên vẫn nên mua xe ngay tại thời điểm tháng 7 âm lịch này.

Có thể nói, việc lựa chọn mua xe vào thời điểm nào hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của từng khách hàng. Tuy nhiên, những yếu tố liên quan đến tín ngưỡng, quan niệm dân gian tác động đến hành vi mua hàng là khó tránh khỏi. 

Với những người thực tế, không duy tâm, có thể lựa chọn mua xe ngay tại thời điểm này để hưởng nhiều ưu đãi nhất trong năm. Còn những khách hàng vẫn đang lăn tăn, việc đợi hết tháng “cô hồn” sẽ là lựa chọn đem đến cảm giác an tâm hơn vì xét cho cùng, mua một tài sản đắt tiền thì chủ nhân phải là người cảm thấy thoải mái nhất.

Hoàng Hiệp

Theo bạn, có nên mua xe trong "tháng cô hồn” này? Hãy để lại ý kiến trong phần bình luận. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Các hãng ô tô giảm giá mạnh nhằm kích cầu tháng “cô hồn”

Các hãng ô tô giảm giá mạnh nhằm kích cầu tháng “cô hồn”

Nhiều người quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng “cô hồn” hay tháng “ngâu” nên hạn chế mua bán tài sản lớn. Tuy nhiên, thời điểm này nếu khách hàng mua ô tô lại nhận được rất nhiều ưu đãi từ các hãng xe.