Giả mạo website Bộ TT&TT để cài mã độc

Trang web tại địa chỉ ‘vietgcv [.] cc’ giả mạo cổng thông tin Bộ TT&TT là 1 trong 20 website lừa đảo vừa được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, tránh truy cập và làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu.

w gia mao cong thong tin bo tttt 1 1 1 374.jpg
Giao diện trang web giả mạo cổng thông tin của Bộ TT&TT, được các đối tượng thiết lập nhằm lừa người dùng tải, cài đặt ứng dụng có chứa mã độc. Ảnh: NS

Theo thống kê, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như một số bộ ngành, các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, dịch vụ công...

Đáng chú ý, trong gần 2 tháng trở lại đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục tạo các trang web giả mạo dịch vụ công quốc gia với nhiều địa chỉ tên miền khác nhau và đều là tên miền quốc tế, cụ thể như: Dichvucong[.]cvgov[.]com; Dichvucong[.]xgovvn[.]net; Dichvucong[.]dulieuqucogia[.]com...

Theo chuyên gia VNCS, bên cạnh xu hướng gia tăng của tấn công lừa đảo qua email, các cuộc tấn công lừa đảo khác như lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo qua tin nhắn văn bản và lừa đảo qua các website giả mạo cũng đang tăng mạnh.

Phát hiện nguyên nhân hàng loạt smartkey ô tô, xe máy tê liệt

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian gần đây, người dân trên đoạn đường Bà Hạt (Phường 7, Quận 10, TP.HCM), phản ánh tình trạng khoá smartkey của ô tô và xe máy không khởi động được. 

can nhieu tan so 1054.jpg
Hình ảnh bộ đổi nguồn dùng để cấp nguồn cho modem truyền hình cáp và Internet của một hộ dân bị lỗi gây ra hiện tượng can nhiễu trên tần số 125 kHz bộ phận thu phát ô tô, xe máy. Ảnh: CTS

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II đã thành lập đoàn xử lý can nhiễu, tiếp cận hiện trường, khảo sát và thu đo. 

Qua quá trình phân tích, đánh giá bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đó là bộ đổi nguồn AC/DC (adapter) dùng để cấp nguồn cho modem truyền hình cáp và Internet của một hộ dân bị lỗi gây ra. 

Do adapter bị lỗi, bức xạ ra tín hiệu trên dải tần từ khoảng 10kHz-1000kHz, lan truyền theo đường cáp đồng trục và bức xạ ra ngoài không gian gây hiện tượng can nhiễu trên tần số 125 kHz bộ phận thu phát của ô tô, xe máy. 

Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo các tổ chức/cá nhân chỉ nên mua và sử dụng những thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (được cấp chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy).

Khi gặp hiện tượng nghi ngờ can nhiễu , người dân có thể phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng 0862.92.92.92 của Cục Tần số vô tuyến điện, hay thông báo cho các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực trên cả nước, hoặc các sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương để kịp thời giải quyết.

Sinh viên Việt Nam dẫn đầu vòng sơ khảo cuộc thi ATTT quốc tế

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa chia sẻ thông tin về kết quả tranh tài của các đội sinh viên Việt Nam tại vòng sơ khảo cuộc thi an toàn thông tin quốc tế “HackTheon Sejong”, diễn ra ngày 27/4 theo hình thức trực tuyến, do thành phố tự trị đặc biệt Sejong, Hàn Quốc tổ chức.

0range ky thuat mat ma 01 1 1110.jpg
Các thành viên đội 0range của Học viện Kỹ thuật Mật mã vừa đạt được vị trí dẫn đầu bảng 'Cơ bản' cuộc thi an toàn thông tin ‘HackTheon Sejong’. Ảnh: Minh Tuấn

Theo danh sách 40 đội sinh viên vượt qua vòng sơ khảo, giành quyền dự thi chung kết vào ngày 19/6 tới tại Hàn Quốc được Ban tổ chức công bố ngày 30/4 trên trang web chính thức của cuộc thi, Việt Nam có 14 đội, gồm 9 đội bảng ‘Cơ bản’ và 5 đội bảng ‘Nâng cao’.

Ở bảng ‘Cơ bản’, vị trí nhất bảng đã thuộc về đội 0range gồm 4 thành viên Phùng Văn Tài, Nguyễn Danh Kiệt, Lê Xuân Sơn và Phan Văn Hoàng Việt, đều là những sinh viên đang theo học ngành An toàn thông tin tại Học viện Kỹ thuật mật mã. 

Với bảng ‘Nâng cao’, đội Ripe Rice đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã về đích ở vị trí thứ 6, xếp ngay phía sau là đội WeebPwn cũng đến từ Việt Nam (thứ 7) và UET.SilverWolf (thứ 9). 

Cục An toàn thông tin đánh giá: Kết thúc vòng sơ khảo, các đội của Việt Nam đã đạt được kết quả cao, khẳng định chất lượng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam. 

Alibaba sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Nhằm đáp ứng quy định tại Việt Nam, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba dự định sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu tại đây.

bn gr683 0129al p 20150129093455 292.jpg
Alibaba sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Nikkei Asia cho biết, hiện tại Alibaba đang thuê máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Viettel và VNPT. Từ năm 2022, bộ luật có hiệu lực bắt buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.

Theo ông Đặng Minh Tâm, trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp tại Alibaba Cloud, công ty sử dụng “colocation” - thuật ngữ chỉ việc thuê máy chủ từ các nhà điều hành trung tâm dữ liệu địa phương, đồng thời sao lưu dữ liệu lên các máy chủ riêng nằm trên khắp khu vực địa lý, từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Singapore.

Kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam là nhằm bắt kịp nhu cầu của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Hiện thông tin chi tiết về kinh phí và thời gian triển khai vẫn chưa được công bố chính thức. Thông thường, xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.

Viettel IDC dự báo thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm trong tương lai gần và có thể cao hơn nữa nếu có sự góp mặt của những công ty như Alibaba.

Lan rộng lừa đảo mạo danh trên không gian mạng Việt NamNhận định lừa đảo mạo danh trên không gian mạng Việt Nam đang ngày càng lan rộng, trong ‘Điểm tin tuần’ từ ngày 29/4 đến ngày 5/5, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng điểm ra một số hình thức lừa đảo mạo danh người dân cần cảnh giác.