Kinh nghiệm ở xã Thống Nhất
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện mô hình thôn thông minh ở nhà văn hóa thôn Khay, xã Thống Nhất (Gia Lộc) tối 16/4, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn tranh thủ giờ giải lao hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, phần mềm số.
"Dễ dùng lắm, tôi chỉ cần bấm vào biểu tượng có hình logo Hải Dương là hiện ra nhiều mục trên màn hình điện thoại. Những tin tức mới, hay trong tỉnh, trong nước đều có trong này", ông Đặng Văn Vỹ, gần 60 tuổi vừa được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng Smart-HaiDuong cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hệ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Khay cho biết trước đây phải mất nhiều thời gian đăng ký tài khoản, đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia. Còn trên ứng dụng Smart-HaiDuong, chỉ cần bấm vào chức năng "Dịch vụ công" sẽ cho 3 lựa chọn đăng nhập khác nhau để nộp hồ sơ trực tuyến.
"Tất cả những tiện ích thiết yếu cho người dân như tra cứu thông tin thị trường, giá cả, điểm đến, đặt vé xe, gọi taxi... đều có trong ứng dụng này", chị Hệ chia sẻ thêm.
Thống Nhất là một trong những xã đi đầu của huyện Gia Lộc về thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Cả xã có 6 Tổ công nghệ số cộng đồng gồm những người có kinh nghiệm, hiểu biết về công nghệ thông tin và giáo viên để hỗ trợ người dân.
Từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện xong nhiệm vụ chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với gần 400 người thuộc đối tượng an sinh xã hội, người có công và 227 trong tổng số 229 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
"Chỉ sau 2 ngày tỉnh ra mắt ứng dụng Smart-HaiDuong, tất cả cán bộ, công chức và viên chức các đơn vị sự nghiệp trong xã đã hoàn thành cài đặt. Hiện xã tiếp tục chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng này", Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Phạm Đăng Xuyết cho biết.
Người dân làm trung tâm
Cùng với Thống Nhất, Phạm Trấn là một trong 2 xã của huyện Gia Lộc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có các tiêu chí về chuyển đổi số. Nổi bật là tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động của xã Phạm Trấn sử dụng điện thoại thông minh, mạng di động đạt rất cao (95%).
Phạm Trấn cũng là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP của huyện Gia Lộc với 5 trong số 30 sản phẩm đều của Hợp tác xã Tân Minh Đức.
“Chúng tôi mới được các đoàn viên thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP cải bắp, dưa chuột lên sàn thương mại điện tử Postmart. Đây là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho người dân”, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức phấn khởi nói.
Ông Lê Văn Sáu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lộc cho biết huyện xác định mô hình công dân số làm hạt nhân để thúc đẩy chuyển đổi số bởi người dân có kỹ năng số sẽ dễ dàng sử dụng các ứng dụng, phần mềm số, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến... Ngược lại khi chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phát triển thì chính người dân là những người được hưởng lợi.
Toàn huyện Gia Lộc hiện có 18 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 106 Tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, khu dân cư với 547 thành viên. Năm 2023, các Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động rất tích cực, đã hướng dẫn cài đặt 25.083 tài khoản dịch vụ công, 89.490 tài khoản VNeID và các sổ bảo hiểm, sổ khám sức khỏe điện tử…
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của huyện đạt 94,6%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh (87,4%). Mạng cáp quang đã được kéo đến tất cả các xã, thị trấn, khoảng 90% số gia đình sử dụng internet tốc độ cao, trên 75% số người dân sử dụng điện thoại thông minh.
Huyện Gia Lộc đứng đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp huyện năm 2023 với tổng số 407,17/570 điểm. Trong đó có 5/8 tiêu chí xếp thứ nhất gồm: thể chế số, an toàn thông tin, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số. Nhận thức số đạt 32,5/50 điểm, xếp thứ 2; hạ tầng số đạt 45,74/50 điểm, xếp thứ 3; nhân lực số đạt 39,68/50 điểm, xếp thứ 9.
VĂN NGHIỆP (Báo Hải Dương)