Bình Phước hiện có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 203.519 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Năm 2023, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc cụ thể hóa các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội trong vùng đồng bào dân tộc luôn được triển khai thực hiện kịp thời. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Các già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS là cầu nối giữa chính quyền với người dân. Họ đã có những đóng góp to lớn trong công tác tuyên truyền, vận động dòng tộc, người thân và đồng bào xóa bỏ dần các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, có chương trình đến với đồng bào về cách canh tác, định cư, tương trợ giúp nhau xây nhà tình thương và hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất cây trồng, vật nuôi; nâng cao tinh thần nhận thức của đồng bào DTTS về việc phải tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu...

Ở Sóc Bom Bo hiện nay người duy nhất biết rõ lịch sử về buôn làng là già Điểu Lên (sinh năm 1945). Nói về sự đổi thay của đời sống đồng bào dân tộc, già làng Điểu Lên cho biết trước 1975, nơi đây toàn là rừng, chỉ có đồng bào dân tộc và bộ đội chiến đấu bám từng tấc đất. Hôm nay cuộc sống đồng bào S’tiêng đã thay đổi, con em đều được học hành đầy đủ, nhà nhà không còn lo cái ăn, cái mặc như trước đây. Nhà cửa cũng đã được cất khang trang, đủ tiện nghi hơn, các nhà xây kiên cố dựng lên dần thay thế cho các nhà gỗ, nhà dài truyền thống của đồng bào. Tuy nhiên điều ông trăn trở đó là những nét đẹp văn hóa của người S’tiêng cũng đang bị mai một nhiều. Nhiều đứa trẻ lớn lên không hiểu được những giá trị văn hóa mà bao đời cha ông để lại. Các lễ hội sinh hoạt văn hóa của người S’tiêng cũng thưa thớt dần và không thu hút được sự quan tâm của con, cháu.

Với vai trò là một già làng có uy tín với ở địa phương, ông quyết tâm không để nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình bị mai một. Do đó, ông thường xuyên kể cho con cháu, đồng bào S’tiêng nghe về truyền thống, văn hóa của người dân tộc mình như lễ hội đâm trâu, phá bàu, mừng lúa mới, phong tục cưới hỏi, ma chay... Thậm chí ông cũng từng dạy hát sử thi, múa cồng, dạy làm một số nghề thủ công cho con cháu vẫn không ăn thua.

Tại huyện Hớn Quản, bà Thị Mương (57 tuổi, người dân tộc S’tiêng) là người có uy tín ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, luôn tận tâm với công việc, đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

“Ở ấp Bù Dinh, người đồng bào dân tộc thiểu số S'tiêng chiếm 85%, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, do đó công tác tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi cùng Ban quản lý ấp đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con và giúp bà con nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học hành của con em, tích cực chăm lo sản xuất, ổn định đời sống”, bà Thị Mương chia sẻ.

 Ngoài ra, bà Mương còn truyền dạy cho con cháu nghề truyền thống của đồng bào mình. Bà cũng đã thành lập và duy trì được một đội múa cồng chiêng với hơn 30 người; đồng thời, trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn về ý nghĩa, cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng.

Bà còn thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ về kế hoạch hóa gia đình; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống; vận động chị em tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Theo thống kê mới nhất, Bình Phước có hơn 199.000 người DTTS, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người có uy tín có 364 người và 94 già làng tiêu biểu. Thành phần người có uy tín, già làng ở Bình Phước đa dạng như: cán bộ hưu trí; cán bộ thôn, ấp; chức sắc, chức việc các tôn giáo; người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…

Trong những năm qua, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, củng cố quốc phòng – an ninh và vận động đồng bào thực hiện, được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nổi bật  qua các hoạt động xã hội hóa như: hiến đất làm đường, làm trường học, nhà văn hóa, đóng góp kéo điện về thôn, vận động đồng bào đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới… cũng có những đóng góp rất lớn của người có uy tín, già làng tiêu biểu.

Bên cạnh đó, người có uy tín, già làng tiêu biểu đã vận động nhân dân khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đăng ký thi đua thực hiện gia đình văn hóa, xoá bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn như: tập tục đâm trâu trả của tốn kém, lãng phí; các hoạt động cúng bái mê tín dị đoan khi gia đình có người ốm đau; hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ...; Khôi phục Lễ hội phá bàu, Lễ mừng lúa mới, khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ dân tộc thiểu số…

Đặc biệt trong những năm gần đây, người có uy tín, già làng tiêu biểu còn tăng cường tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số không bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng đất - là một vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, các đại biểu được nghe 3 báo cáo tham luận của 3 đại biểu là người có uy tín, già làng đến từ các huyện: Hớn Quản, Phú Riềng và huyện Lộc Ninh, với nội dung tham luận liên quan đến: Vai trò của người có uy tín trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Những câu chuyện của các già làng đã giúp đại biểu hiểu thêm về vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và công tác phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Trân trọng, biểu dương vả cảm ơn những đóng góp của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh mong muốn trong thời gian tới, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là cầu nối giữa cá nhân và nhân dân và đồng bào tại địa phương, cùng nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của đồng bào mình, từ đó nêu gương, định hướng, động viên họ nỗ lực vươn lên, đồng thời, tuyên truyền để đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đó, sẽ có hướng dẫn, động viên cho bà con các giải pháp để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp; phát huy tấm gương đi đầu trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ hủ tục, xây dưng nếp sống văn hóa…

Người có uy tín, già làng cần tiếp tục tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng hành với địa phương trong xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV